Không một chiến trường nào vắng mặt phóng viên Thông tấn xã Việt Nam

Thứ Tư, 16/9/2015, 7:3 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 70 năm, ngày 15/9/1945, 13 ngày sau thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản tin tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp đầu tiên của Việt Nam đã phát đi toàn thế giới toàn văn bản “Tuyên ngôn độc lập” lịch sử cùng danh sách Chính phủ lâm thời của nước việt Nam mới. Từ đó, ngày 15 tháng 9 trở thành ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam.

Nhưng, ra đời chưa được bao lâu, nước Việt Nam non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ấy, phóng viên TTXVN luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất, thực sự trở thành những chiến sĩ trên tuyến đầu chống quân xâm lược.

Được thành lập từ một bộ phận của Bộ Tuyên truyền, sau chuyển thành Nha Thông tin, TTXVN đã vượt lên mọi khó khăn, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển, đảm bảo nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ mong đợi và công cuộc kháng chiến chống Pháp đòi hỏi.

Mặc dù thiếu thốn trăm bề, chiến đấu gian khổ ác liệt, TTXVN đã không ngừng phát triển. Phóng viên của TTXVN đã tỏa đi các địa bàn, các vùng địch hậu, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, bảo đảm thu và phát tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới.


Phóng viên ảnh chiến trường Hứa Kiểm nói chuyện với nhân dân Sài Gòn sau khi Sài Gòn được giải phóng (30/4/1975). Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, TTXVN đã 21 lần phải di chuyển để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, trong đó có 3 lần phá vòng vây giặc rút lên chiến khu Việt Bắc, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị để bảo đảm thông tin.

Và chính trong một lần phá vòng vây địch rút lên Phú Thọ, lần đầu tiên một cán bộ của TTXVN đã hy sinh, đó là đồng chí đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin phụ trách TTXVN (hy sinh tại Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông).

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay bưng biền, đâu đâu cũng có mặt phóng viên và nhân viên kỹ thuật của TTXVN. Chẳng những phải đối mặt với hiểm nguy ngoài mặt trận, phóng viên, kỹ thuật viên thông tấn còn phải đối mặt với đói rét, bệnh tật.


Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Có người hy sinh vì thú dữ, hy sinh vì sốt rét ác tính, lại có người người hy sinh khi đang vận chuyển máy móc, điện đài… Hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật đã hy sinh anh dũng để TTXVN góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng của cả dân tộc.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, TTXVN được chuyển thành cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng.

Là cơ quan báo chí đầu tiên được giao nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam, TTXVN đã cử nhiều phóng viên từ miền Bắc vào kịp thời đưa tin, ảnh tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy và phản ánh phong trào cách mạng sôi sục của đồng bào miền Nam. Bản tin “Đấu tranh thống nhất” của TTXVN ra đời năm 1960 chính là “đất” để anh chị em phóng viên kịp thời thông tin về những sự kiện đó.

Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào cao trào đồng khởi. Tình hình lúc đó cho phép TTXVN vừa trực tiếp thu tin vừa phát hành bản tin, vừa chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ thành lập một cơ quan thông tin chính thức của cách mạng miền Nam, của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Đó là Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).


 Phóng viên ảnh Văn Sắc của Thông tấn xã Việt Nam trên đường đi công tác tại tuyến lửa Quảng Bình (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN

19 giờ ngày 12/10/1960, đúng ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 02/TW về tăng cường công tác TTX trong tình hình mới, bản tin đầu tiên của TTXGP từ chiến khu Dương Minh Châu được phát đi dưới cái tên GPX (Giải phóng xã), phát đối ngoại là LPA trên sóng điện là tiếng nói chính thức của những người yêu nước và nhân dân miền Nam Việt Nam.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, TTXVN đã không bỏ sót một sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng nào, không để dòng thông tin ngừng một giây phút nào, kể cả khi ác liệt nhất. Những lúc địch đánh vào căn cứ, anh chị em vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa phải truyền tin, ảnh về Tổng xã.

Phóng viên TTXVN đã có mặt ngay khi tên giặc lái đầu tiên bị bắt trên miền Bắc và cũng có mặt ngay từ ngày đầu bên cạnh các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ chiến đấu bảo vệ đảo tiền tiêu. Phóng viên TTX đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất, từ Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Quảng Bình, miền đất lửa Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh… để ghi lại hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta. Và nhiều tấm ảnh, bản tin của TTXVN đã trở thành những nhân chứng lịch sử.


 Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Thanh Phong (đội mũ giải phóng) nói chuyện với một gia đình nuôi cán bộ cách mạng tại thị xã Quảng Trị (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXVN đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, vô vàn khó khăn, gian khổ, hoạt động trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, ở hầm, ăn đói, nhịn khát, khi tập trung, khi phân tán, khi đến với các chốt của những đơn vị giải phóng quân, khi về bám trụ cùng với dân ở những vùng còn bị kìm kẹp, bám sát các cơ sở địa phương, đưa tin viết bài kịp thời về các phong trào đấu tranh diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân.

Do những điều kiện khó khăn gian khổ và sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, căn cứ của TTXVN ở miền Nam đã phải di dời tới 9 lần. Nhiều lần căn cứ bị Mỹ - ngụy tràn tới, trên trời, chúng dùng máy bay ném bom, phóng rốc két, dưới đất thì chúng dùng cả pháo hạng nặng, xe bọc thép, xe tăng chà đi xát lại. Những lúc ấy, cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ chống địch như những người chiến sĩ thực sự, vừa phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin.

Không một nơi nào ở miền Nam lại không có cán bộ của TTXVN đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có những phân xã có nhiều cán bộ, phóng viên hy sinh hoàn toàn, được tổ chức lại, rồi lại hy sinh, nhưng anh em còn sống hoặc bổ sung vẫn kiên cường bám trụ.

Phân xã TTXGP ở miền Nam Tây Nguyên (khu 10) chính là một trong những điển hình như thế, chịu đựng mọi gian khổ, ốm đau, đói khát, độc lập chiến đấu, bắn rơi trực thăng Mỹ và cũng ở đó, cả 5 anh em đã hy sinh cùng một lần trên đường làm nhiệm vụ.

Ở Long An, cửa ngõ của Sài Gòn, có 7 đồng chí hy sinh và đó cũng là phân xã ba lần bị địch giết hại toàn bộ. Mỗi lần bị xóa sổ, phân xã mới lại được thành lập để đảm bảo dòng thông tin liên tục. Có nơi, điện báo viên hy sinh hết, phóng viên làm luôn nhiệm vụ điện báo để kịp thời chuyển tin về Tổng xã.


Ngày 24/1/1973, phóng viên Lâm Hồng Long của Việt Nam Thông tấn xã theo đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh lên đường đi Paris (Pháp) để đưa tin ảnh Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phân xã TTXVN tại tỉnh cực nam Nam bộ (Rạch Giá) 5 lần bị xóa sổ. Có lần cả phân xã vừa phát tin xong thì bị địch phát hiện, cả 3 đồng chí đều dũng cảm chiến đấu, kiên cường đánh trả địch đến người cuối cùng.

Vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc, các cán bộ, phóng viên, công nhân viên của TTXVN đã không quản ngại gian khổ, hy sinh cả thân mình. Gần 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên của TTXVN đã ngã xuống suốt từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế người chiến sĩ, chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên TTXN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm 4/5 số nhà báo cả nước hy sinh.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc chiên tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phóng viên TTXVN đã có mặt theo các mũi tiến quân, đưa tin, ảnh kịp thời.

Phóng viên thông tấn cũng luôn có mặt kịp thời tại những điểm nóng, những điểm nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa để nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Có thể nói, trong suốt các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, không nơi nào không có mặt phóng viên TTXVN. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc qua các cuộc kháng chiến cứu nước, TTXVN vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua 7 thập kỷ chiến đấu, xây dựng và phát triển gắn liền với những cột mốc lịch sử của đất nước, TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên của cả nước được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra, TTXVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai theo Quyết định số 1836/QĐ-CTN ngày 20/8/2015) và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Càng vinh dự, tự hào, những người làm báo của TTXVN càng biết ơn các liệt sĩ và biết bao cán bộ, phóng viên, nhân viên đã hy sinh xương máu xây dựng nên truyền thống vẻ vang của TTXVN; và lại càng thấy trách nhiệm phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với hy sinh của các thế hệ cha anh, tô thắm thêm trang sử hào hùng của TTXVN.

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến