(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 29/7, cả nước ghi nhận 7.594 ca mắc mới, trong đó một ca nhập cảnh và 7.593 ca trong nước. Các địa phương có số ca cao nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh 4.592 ca; Bình Dương 1.144 ca; Long An 499 ca; Đồng Nai 325 ca; Bà Rịa - Vũng Tàu 185 ca; Đồng Tháp 157 ca; Tây Ninh 139 ca; Bình Thuận 63 ca; Hà Nội 59 ca; Đà Nẵng 54 ca... Trong số này có 1.536 ca trong cộng đồng.
Tối 29/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ ngày 29/7 đến 18 giờ ngày 29/7, Hà Nội ghi nhận 07 trường hợp mắc mới đều phát hiện tại cộng đồng. Từ 18 giờ ngày 28/7 đến 18 giờ ngày 29/7, ghi nhận tổng cộng 46 trường hợp mắc mới.
Cũng tính đến 29/7, đã có 31.780 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, 346 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. Đã có 5.321.839 liều vaccine được tiêm, trong đó 496.630 liều mũi 2 đã được tiêm.
* Tổng Bí thư kêu gọi cả nước chung tay phòng, chống dịch
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Theo đó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.
Tổng Bí thư tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!
* Chủ tịch nước thị sát tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát công tác phòng, chống dịch bệnh; thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà, động viên Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố vững tin khắc phục khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hai huyện Hóc Môn và Củ Chi mỗi huyện 5 tỷ đồng tiền mặt và 5 máy thở, vận động từ các nhà tài trợ để hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn, thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục thành lập các tổ phòng, chống COVID-19 bám sát địa bàn để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, nhanh chóng phát hiện, truy vết, khoanh vùng dập dịch. Để thực hiện điều này, Chủ tịch nước cho rằng cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết hiệu quả kịp thời, giải quyết cách ly tốt.
Nhấn mạnh tinh thần “nước gần cứu lửa gần”, Chủ tịch nước cho rằng việc phát huy tinh thần tại chỗ rất quan trọng. Người dân tự lực với sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền, y tế, lực lượng công an, quân đội. Chủ tịch nước đề nghị các cấp chính quyền thành phố cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chấm dứt tình trạng báo tin không có người nhận, bệnh nặng không ai xử lý.
Tiếp tục chuyến thăm, thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều tối 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, đơn vị đang trong quá trình thử nghiệm vaccine Nanocovax.
Nhấn mạnh, vào lúc này, vaccine và giãn cách xã hội là phương châm trong phòng, chống COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức sớm, nhanh các quy trình chuyên môn đảm bảo, vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nanogen phải chứng minh thành công quy trình này với Bộ Y tế. Chủ tịch nước cho biết đã thống nhất với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nếu cần thiết, có thể mời Tổ chức Y tế Thế giới vào tham gia đánh giá loại vaccine này để quyết định chủ trương sớm hơn; không để trong khi toàn dân cần mà chúng ta lại chậm.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Công ty Nanogen không ngừng hoàn thiện về công nghệ, sản xuất vaccine với chất lượng tốt, hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn. Ngoài phục vụ trong nước phải tính đến bước đi xa hơn là xuất khẩu vaccine phòng COVID-19. Làm được điều đó là niềm tự hào đối với Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên y bác sỹ Bệnh viện dã chiến số 16 trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa đi vào hoạt động từ ngày hôm qua, 28/7, với quy mô gần 3.000 giường.
* Thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt
Thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như “mệnh lệnh thời chiến”- đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi kiểm tra và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức ngày 29/7 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày chỉ đem lại hiệu quả thực sự nếu được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên toàn Thủ đô. Thành phố muốn có kết quả tốt thì từng quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư phải thực hiện thật tốt. Bởi chỉ cần một, hai nơi lơ là, chểnh mảng thì cả thành phố có thể phải vất vả làm lại từ đầu.
“Thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu không chỉ riêng huyện Hoài Đức, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn khác đều phải hiểu rõ từng nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 17/CT-UBND và các chỉ đạo khác của Thành ủy, UBND thành phố để tổ chức thực hiện. Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 cấp huyện, cấp xã phải trực 24/24h và 7 ngày/tuần. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện và toàn quyền chỉ huy lực lượng phòng, chống dịch. Ban Thường vụ, Thường trực quận, huyện, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ. Các địa phương phải tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nên tham khảo mô hình huyện Đông Anh cách ly “3 lớp” với sự tham gia tự quản, tự giám sát của người dân rất hiệu quả.
Trước đó, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã đi kiểm tra tại Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung; khu cách ly tập trung của huyện tại Trường Tiểu học thị trấn Trạm Trôi và một số địa điểm dự phòng bố trí khu cách ly tập trung khác như: Trường Đại học Thành Đô, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên, Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C.
* 659.900 liều vaccine AstraZeneca đã đến Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Sáng 29/7, AstraZeneca đã chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh thêm 659.900 liều vaccine COVID-19. Đây là lần giao vaccine thứ sáu và là lần thứ tư liên tiếp trong tháng 7/2021 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đến nay, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam gần 3,8 triệu liều, tương đương với khoảng 41% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước. Tổng cộng đã có gần 9,3 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước, hiện chiếm 62% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước.
* Đẩy nhanh mức độ cao nhất thực hiện tiêm chủng vaccine
Tại cuộc làm vệc với Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sáng 29/7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, thành phố phải đẩy nhanh lên mức độ cao nhất thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nếu thiếu nhân lực triển khai tiêm chủng trên địa bàn, Bộ Y tế sẽ điều động thêm nhân lực để hỗ trợ thành phố.
Đầu giờ chiều 29/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã ký Văn bản hỏa tốc gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về tiêm chủng vaccine COVID-19 trong thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, theo đó đồng ý để thành phố sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp đảm bảo an toàn.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập ba Trung tâm Hồi sức tích cực do các bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế phụ trách. Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố cơ sở 2, Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm ba Trung tâm Hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.
* Nâng cao cảnh giác trước thông tin giả mạo
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tin cảnh báo thủ đoạn giả mạo trang thông tin điện tử (website) của Bộ Y tế để lừa đảo trợ cấp COVID-19.
Cụ thể, thời gian gần đây, xuất hiện trường hợp đối tượng xấu lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua 2 tên miền là “honapply.vn” và “miniboon.vn”. Ngay khi phát hiện các trang website này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý để gỡ bỏ tên miền.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến cáo người người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thông tin có nội dung tương tự. Để nắm được tình hình dịch COVID-19, người dân chủ động thường xuyên truy cập vào các website chính thống của Bộ Y tế tại địa chỉ https://moh.gov.vn/ để cập nhật thông tin tin cậy, không tham khảo thông tin từ những nguồn không chính thống. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, mọi người cần chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Trần Phúc Hằng - TTXVN