(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 18 - 20/8, thành phố tiếp tục triển khai đợt 2, lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người.
* Đà Nẵng thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cao kỷ lục
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, hiện nay Đà Nẵng đã sau 3 ngày triển khai Quyết định 2788/QĐ-UBND của thành phố Đà Nẵng và nhận được sự ủng hộ của người dân rất cao, đồng thời các lực lượng tuyến đầu cũng đã thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc.
Về việc cung ứng thực phẩm đến thời điểm này khá tốt, kịp thời, đơn hàng đặt chưa nhiều chứng tỏ người dân đã có sự chuẩn bị kỹ, tuy nhiên nguồn cung ứng có nguy cơ sợ bị dư thừa. Các phường, tổ dân phố làm việc rất có trách nhiệm trong việc tiếp nhận đưa đến người dân. Đơn cử như phường Tân Chính (quận Thanh Khê) tiếp nhận hàng hỗ trợ từ 23 giờ 18/8 đã chủ động làm sạch trước khi cho vào túi đưa đến người dân. Điều này đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao cách làm của các cấp chính quyền.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong ngày 18/8, Đà Nẵng đã đạt kỷ lục mới trong công tác xét nghiệm, số ca F0 tổng có tăng so với ngày hôm qua, nhưng nếu phân tích kỹ, có thể xem đây là điểm đáng rất ghi nhận. Trong 134 ca, thì có 74 ca trong khu cách ly tập trung đúng nghĩa, còn gộp lại các ca chưa giám sát có 60 ca. Đây là tỷ lệ rất quan trọng để đánh giá, nhìn nhận về số ca trong cộng đồng và đưa ra các biện pháp triển khai trong thời gian tới.
Ông Quảng yêu cầu, các địa phương từng xã phường và quận huyện triển khai thực hiện tốt đánh giá kết quả xét nghiệm lần 1. Trong đó, xác định xem các ca mắc COVID-19 ở trên địa bàn mình có nguồn lây ở đâu; đánh giá mức độ nguy cơ trên địa bàn, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong đợt xét nghiệm lần 2; chủ động xây dựng kịch bản trong thời gian tới, khắc phục được tình trạng trốn xét nghiệm.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát những người mất việc làm, xác định đối tượng cần quan tâm. Quan điểm thành phố không để các hộ khó khăn thiếu đói, thành phố sẵn sàng chi tiền để hỗ trợ cho những người gặp khó khăn. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm đến lực lượng ở cơ sở về việc đảm bảo an toàn, chế độ chính sách.
Theo báo cáo, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cung cấp, tính từ 13 giờ ngày 17/8 đến 13 giờ ngày 18/8, Đà Nẵng ghi nhận 134 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó 74 trường hợp đã được cách ly tập trung, 13 trường hợp cách ly tạm thời tại nhà, 13 trường hợp trong khu phong tỏa, 34 trường hợp chưa được cách ly. Như vậy tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.129 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 18/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 115.123lượt người; thực hiện cách ly, giám sát 3.192 trường hợp F1 và 5.893 trường hợp F2; 63 bệnh nhân khỏi bệnh, 1 bệnh nhân tử vong, 1.258 bệnh nhân đang được điều trị; các quận huyện đã xử phạt 37 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 214 triệu đồng.
Theo ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho hay, đến nay Đà Nẵng có 39 xã phường phường ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm Chợ Đầu mối Hòa Cường. Trong đó, 172 người làm việc trực tiếp ở chợ đầu mối, 141 tiểu thương bán hàng trực tiếp, 31 bốc xếp và lái xe, 15 người đi chợ, 93 trường hợp F1 liên quan đến chợ Đầu mối này. Trong ngày 18/8, quận Hải Châu ghi nhận số ca mắc cao nhất với 39 trường hợp mắc COVID-19.
Đánh giá về công tác tổ chức xét nghiệm, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy nêu rõ, trong đợt xét nghiệm này ngành y tế đã phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 chưa có triệu chứng và đồng thời CDC Đà Nẵng đã có phân tích quá trình lây nhiễm của các ca mắc này, điều này giúp các đơn vị chức năng sớm triển khai công tác điều tra, truy vết.
Để triển khai xét nghiệm hộ gia đình lần 2, các địa phương cần rà soát đúng đối tượng để xét nghiệm, lưu ý phải xem mỗi phòng trọ là một hộ gia đình để thực hiện công tác lấy mẫu đúng với yêu cầu, kế hoạch của Sở Y tế đề ra.
* Tìm giải pháp giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan cộng đồng
Chiều 18/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố đã huy động và thành lập 320 đội hình lấy mẫu, xét nghiệm tại cộng đồng để thực hiện xét nghiệm cho nhân dân thành phố với mục đích tầm soát, bóc tách F0 nhanh nhất ra khỏi cộng đồng, đảm bảo người nhiễm SARS-CoV-2 được tiếp cận điều trị sớm nhất, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố thời gian tới vẫn được đánh giá ở mức nguy cơ rất cao và có thể sẽ diễn biến phức tạp nếu việc tuân thủ quy định về phòng, chống dịch không được siết chặt. Thành phố Cần Thơ đã huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao và dự kiến sẽ tổ chức phân cấp, phân quyền về cho từng địa bàn quận, huyện, xã, phường, thị trấn để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, thành phố cũng chuẩn bị để triển khai tiếp tục việc xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ nhưng với bình diện hẹp hơn, khu trú vào từng ấp, khu vực được đánh giá có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn của từng xã, phường, thị trấn. Công tác truy vết thần tốc tiếp tục được áp dụng để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo ông Dương Tấn Hiển, hệ thống điều trị của toàn thành phố liên tục được kiện toàn, bổ sung, nâng cấp để có đủ khả năng tiếp nhận và điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng, nguy kịch nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ tử vong của người bệnh. Các khu cách ly trên địa bàn thành phố cũng được mở rộng, bố trí phù hợp với năng lực cách ly, đảm bảo quy định phòng, chống dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly.
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký tiếp tục hoạt động và có cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”… thì thành phố sẽ xem xét, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép; đối với các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch thì kiên quyết cho tạm dừng hoạt động.
Tối 18/8, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã tổng kết chiến dịch xét nghiệm tầm soát cộng đồng diện rộng trên địa bàn 9 quận huyện của thành phố. Từ ngày 9/8 - 17/8, thành phố đã tổ chức xét nghiệm test nhanh cho khoảng 1.000.000 lượt người và xét nghiệm PCR cho hơn 4.300 lượt người, kết quả ghi nhận 387 ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng và 204 ca trong khu vực phong tỏa.
Tỷ lệ F0 phát hiện tại cộng đồng là 0,05%, các F0 được bóc tách kịp thời ra khỏi cộng đồng, số lượng thấp hơn so với dự kiến theo phương án (0,4%). Đồng thời, chiến dịch cũng thực hiện xét nghiệm tầm soát tại các khu cách ly. Kết quả đã thực hiện 1.486 mẫu PCR, phát hiện 211 ca F0.
Tính từ ngày 8/7 - 18/8, Cần Thơ ghi nhận 3.499 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, có 52 trường hợp tử vong. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 1.919 người; số người đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà là 6.526 người.
Theo thông tin từ Sở Công thương Cần Thơ, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ". Tính đến chiều 18/8, tổng số doanh trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động là 1.032 trên tổng số 1.090 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 94,68%.
Cụ thể, đến nay Cần Thơ chỉ có 13 doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn hoạt động, chiếm tỷ lệ 7,65% trên tổng số doanh nghiệp tại khu công nghiệp với số lao động chiếm tỷ lệ 53,13% trên tổng số lao động tại khu công nghiệp. Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có 38 doanh nghiệp còn hoạt động, chiếm tỷ lệ 4,13% tổng số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với số lao động chiếm 8,25% tổng số lao động ngoài khu công nghiệp.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiêph khôi phục sản xuất (thuế, lãi suất ngân hàng, điện,...) đối với doanh nghiệp sản xuất và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có tính đặc thù trên địa bàn thành phố.
Văn Dũng - Thu Hiền/TTXVN