(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho trường hợp mắc COVID-19 cách ly tại nhà, người tự làm test nhanh có kết quả dương tính, người chưa được xác định là F0 nhưng có dấu hiệu nghi ngờ qua khai báo y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1168/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phân công một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho trường hợp F0 trên địa bàn. Các địa phương sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Hệ thống khai báo y tế điện tử” của thành phố để theo dõi, cập nhật dữ liệu trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Thành phố thành lập Tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn với các thành viên gồm, nhân viên y tế thuộc Trạm Y tế phường, xã, thị trấn, nhân viên y tế là tình nguyện viên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an...
Các Tổ phản ứng nhanh được trang bị máy đo huyết áp, dụng cụ đo nhiệt độ, thiết bị đo SpO, bình thở oxy hoặc máy tạo oxy và các loại thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế để kịp thời hỗ trợ F0 cách ly tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho trường hợp mắc bệnh cách ly tại nhà: Hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tại nhà, cách phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để liên hệ nhân viên y tế trợ giúp kịp thời…
Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng và triển khai cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ phản ứng nhanh, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện, các bệnh viện...; khuyến khích, tổng hợp danh sách nhà thuốc tham gia công tác cung ứng khẩu trang y tế, thiết bị y tế sử dụng tại nhà (nhiệt kế, thiết bị đo SpO2) và các loại thuốc sử dụng tại nhà với giá hỗ trợ cho trường hợp mắc COVID-19; công bố danh sách nhà thuốc trên phương tiện thông tin để người dân được biết. Các nhà thuốc tham gia đảm bảo đáp ứng việc giao thuốc tận nhà cho trường hợp mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà.
Sở Y tế chủ trì phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, các tổ chức tình nguyện của Đại học Y Dược thành phố, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hội Y học, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố... để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trường hợp mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn VNPT, Công ty Cổ phần FPT triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin gồm: Tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ yêu cầu chăm sóc y tế của các đối tượng giải pháp trợ lý ảo (chatbot, callbot) kết hợp với tổng đài 1022; tổ chức cho đơn vị tham gia, tổ chức nguồn nhân lực để vận hành, khai thác các hệ thống trên một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vận động các đơn vị hỗ trợ gói y tế (bao gồm nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, thuốc sử dụng tại nhà) cho F0 cách ly tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến sáng 18/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 44.478 người, trong đó có 17.904 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu, 26.574 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người. Số F1 đang cách ly tập trung là 3.092 trường hợp và số F1 đang được cách ly tại nhà là 16.103 người.
* Hướng dẫn tiếp nhận điều trị cho trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19
Tính đến sáng 18/8, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện, phần lớn trong số đó không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo đảm an toàn trong điều trị trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tiếp nhận điều trị cho các trường hợp này.
Theo đó, trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì hướng dẫn cho người bệnh cách ly tại nhà theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì liên hệ chuyển người bệnh đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách). Các bệnh viện này đều có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đã có chứng chỉ hành nghề và kinh nghiệm điều trị các bệnh lý ở trẻ em.
Riêng với trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 có diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Trong ngày 18/8, Sở Y tế Thành phố cũng đã phân công triển khai thực hiện gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho trường hợp F0 và công tác cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện thuộc tầng 2, nhằm triển khai hiệu quả công tác thu dung và điều trị COVID-19 trên địa bàn từ 15/8 – 15/9, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.
Theo đó, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các hoạt động của gói chăm sóc sức khỏe cho trường hợp F0 cách ly tại nhà. Trung tâm Cấp cứu 115 tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tiếp nhận cuộc gọi và điều phối xe cấp cứu kịp thời; triển khai hiệu quả 5 trạm cấp cứu 115 tại Quận 10, Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức; tiếp tục phát huy thêm loại hình xe taxi cấp cứu lên 200 chiếc (xe Mai Linh) để phân bổ cho các quận, huyện và loại hình xe vận chuyển người bệnh (xe Phương Trang).
Các phòng nghiệp vụ của Sở Y tế có nhiệm vụ phân phối kịp thời các thuốc trong chương trình do Bộ Y tế cung cấp, đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh viện tầng 1 và tầng 2; rà soát nguồn cung ứng, đảm bảo không bị gián đoạn đối với các thuốc kháng đông và kháng viêm dạng uống; kiểm tra các túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho trường hợp F0…; kiểm tra việc triển khai các Tổ phản ứng nhanh, đội y tế lưu động, việc nhập và quản lý dữ liệu F0 trên hệ thống…
Thanh tra Sở Y tế sử dụng bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị COVID-19 để chủ động hỗ trợ điều phối chuyển viện các trường hợp F0 tại các cơ sở cách ly tập trung khi các cơ sở quá tải; điều phối vận chuyển các trường hợp cấp cứu cần chuyển viện giữa các bệnh viện tầng 2 và lên tầng 3… Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 tiếp tục nghiên cứu và cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà; đánh giá hiệu quả các thuốc điều trị mới; giới thiệu và nhân rộng mô hình chăm sóc F0 của Đại học Y Dược thành phố đang triển khai tại Quận 8 và Quận 10 cho các quận, huyện khác./.
Thu Hương, Tiến Lực/TTXVN