(Thethaovanhoa.vn) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 4/9, liên quan tới vụ cháy tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã thông tin về phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng do sự cố cháy nhà máy, cũng như việc kiến nghị tẩy độc cho khu vực này.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, diễn ra vào chiều 4/9, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, tân Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời báo chí liên quan đến nhiều vụ việc được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, sau khi vụ cháy xảy ra, dư luận đều quan tâm đến việc khu vực xung quanh có bị ảnh hưởng và bị nhiễm thủy ngân hay không. Ông cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Trạm quan trắc môi trường miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội tiến hành lấy mẫu phân tích từ ngày 30/8 – 1/9.
Song song với đó, các đoàn của Bộ Y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cũng đã lấy mẫu phân tích. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hai cuộc họp vào ngày 30/8 để tham vấn ý kiến chuyên gia. Ngày 3/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp họp cùng đại diện các bộ, ngành để thống nhất các số liệu, xác định các vấn đề, nguyên nhân.
Theo số liệu báo cáo của Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg. Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: "Theo tính toán của các nhà khoa học, nhân rất cụ thể từ số liệu 30 mg thủy ngân cho bóng đèn huỳnh quang và 8 mg thủy ngân cho các bóng đèn compac thì khối lượng thủy ngân phát tán là khoảng 23,2 kg. Đến giờ phút này xác định có 15,1 – 23,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường..."
Qua phân tích cụ thể các mẫu quan trắc và đánh giá về chất lượng môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, kể cả chất thải rắn, tro xỉ… của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc... về hiện trạng môi trường sau vụ cháy của Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, kết quả so sánh giá trị nồng độ thủy ngân so với quy chuẩn Việt Nam hiện hành cho thấy, có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam.
Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định, đây là sự cố cháy mất an toàn về hóa chất và ô nhiễm môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, sự cố gây thiệt hại rất lớn về tài sản và gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, trầm tích..., có tác động và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân và một số loại kim loại nặng. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào môi trường đất, nước, không khí và môi trường xung quanh, phần còn lại lắng vào nguồn nước và trong quá trình dập lửa theo nước chảy ra sông Tô Lịch…
"Từ các kết quả phân tích và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và châu Âu cho thấy: Phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trong khoảng cách là bán kính 500 m tính từ hàng rào của kho sản phẩm bị cháy đến khu vực xung quanh", ông Nhân thông tin.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp liên ngành và đề nghị Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập vùng bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Đối với chất tàn dư sau vụ cháy, Công ty tiến hành thu gom, thu giữ trong các container để tiến hành xử lý theo quy định đối với chất thải, trong đó có chất thải nguy hại, phối hợp với các đơn vị chức năng, kiến nghị Bộ Quốc phòng, đề nghị thành phố Hà Nội làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc cho khu vực bị cháy; tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hóa cũng như nguyên vật liệu bị cháy, đặc biệt là thủy ngân lỏng sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang; báo cáo cho cơ quan chức năng để xác định đúng số lượng đã phát tán ra môi trường, tổ chức kiểm tra sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, người lao động của Công ty.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, sự cố mất an toàn lần này đã đặt ra vấn đề về giải pháp lâu dài cho những vụ việc tương tự. Ông Nhân khẳng định, quan điểm của Bộ từ lâu là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn phải có kế hoạch, lộ trình thích hợp di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư. "Trong cuộc họp cũng đã đề nghị thành phố Hà Nội tạo điều kiện dịp này Công ty Rạng Đông phải đi ra khỏi khu dân cư, không xây dựng lại nhà máy, tránh nguy cơ xảy ra sự cố tương tự", ông Nhân nhấn mạnh, đồng thời hy vọng sau sự việc, các cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất khác có nguy cơ ô nhiễm cũng cần sớm ra khỏi khu vực dân cư.
Xuân Tùng - Hiền Hạnh/TTXVN