(Thethaovanhoa.vn) - Theo nguồn tin từ nhóm phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 23/2, Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Trưởng phòng nghiên cứu Văn hóa-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những biến đổi lớn, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra ở Việt Nam sẽ mang ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng.
Dự kiến, máy bay của Tổng thống Mỹ sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài của Hà Nội vào tối 26/2 (giờ Hà Nội).
Giáo sư Hứa Lợi Bình khẳng định có thể hy vọng vào một nền hòa bình thế giới lâu dài và ổn định. Trước đây, tình hình hỗn loạn hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã phủ bóng đen lên toàn khu vực Đông Á. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này chắc chắn sẽ đem lại kỳ vọng lạc quan cho tiến trình hòa bình trong tương lai. Bên cạnh đó, cuộc gặp lần này cũng đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Do vậy, điều này có ý nghĩa thiết thực, quan trọng và tích cực đối với hòa bình thế giới.
Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này sẽ đạt được bước đột phá trong nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, trên phương diện ngoại giao, Mỹ và Triều Tiên sẽ thiết lập các cơ quan liên lạc. Đây có thể coi là đột phá bởi giữa hai bên tới nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Thứ hai, Mỹ sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, nhiều khả năng là một số biện pháp mang tính tượng trưng. Thứ ba, giữa hai bên có thể đạt được thỏa thuận cụ thể về việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc xây dựng cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, khả năng Mỹ gỡ bỏ cấm vận Triều Tiên sau hội nghị này là không cao, bởi hiện nay tiến trình phi hạt nhân hóa mới ở giai đoạn đầu và cơ chế vẫn chưa được xây dựng. Phi hạt nhân hóa là mục tiêu quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Trước hết, tiền đề quan trọng để phi hạt nhân hóa là xây dựng tiến trình hòa bình. Phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình phải gắn bó chặt chẽ với nhau, và cần phải được xác định như hai mục tiêu. Nếu không có tiến trình hòa bình thì không có phi hạt nhân hóa. Do vậy, điều quan trọng nhất giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay là cần tạo dựng lòng tin. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên kéo dài đến tận ngày nay là do giữa hai bên thiếu sự tin cậy. Do vậy, hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Hà Nội cũng nhằm mục đích gia tăng sự tin cậy giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Giáo sư Hứa Lợi Bình cũng tỏ ra không bất ngờ trước thông tin Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này. Ông cho rằng thứ nhất, Mỹ tính toán rằng Việt Nam nhiều khả năng đóng vai trò “mang tính hình mẫu” đối với Triều Tiên bởi quan hệ Mỹ-Việt đã chuyển từ “kẻ thù” trước đây sang “đối tác” và “bạn bè” ngày nay. Mỹ muốn cho Triều Tiên thấy rằng mặc dù Việt Nam là một nước chủ nghĩa xã hội, nhưng hiện cũng đã trở thành bạn bè với Mỹ, và Triều Tiên cũng có thể làm được như vậy. Thứ hai, việc Mỹ lựa chọn Việt Nam còn xuất phát từ tính toán khác, đó là nâng cao quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong báo cáo chiến lược mới nhất của Mỹ, Nhà Trắng đã coi các nước như Việt Nam, Indonesia là những đối tác mới, trở thành một phần trong chiến lược cứng của Mỹ. Do vậy, điều này thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Xét trên phương diện của Triều Tiên, Việt Nam vừa là bạn tốt, vừa là nước cùng theo chủ nghĩa xã hội, vừa đáng tin cậy, lại đáng được Triều Tiên tham khảo, học tập về mô hình đổi mới mở cửa. Do đó, việc lựa chọn Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng là nguyện ý của Bình Nhưỡng. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị này khi phù hợp với cả Mỹ lẫn Triều Tiên.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai này, Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng Trung Quốc không phải là bên đứng ngoài cuộc. Mặc dù không tham dự trực tiếp, song Trung Quốc luôn quan tâm theo dõi sát sao cuộc đàm phán lần này. Do đó, Trung Quốc có thể đóng vai trò là nhịp cầu kết nối giữa hai bên. Trong quá trình đàm phán Mỹ-Triều hay khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc luôn có 3 vai trò sau: Thứ nhất, là bên đưa ra các sáng kiến.
Chẳng hạn, Bắc Kinh từng đề xuất xây dựng cơ chế “tạm dừng đổi lấy tạm dừng” (Triều Tiên sẽ ngừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân của mình để đối lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận quy mô lớn hàng năm) và nhiều khả năng cả Mỹ lẫn Triều Tiên sẽ chấp nhận đề xuất trên. Thứ hai, Trung Quốc sẽ đóng vai trò hòa giải. Khi Mỹ và Triều Tiên bất đồng ý kiến, Trung Quốc có thể đóng vai trò là bên kết nối và hòa giải. Thứ ba, Trung Quốc đóng vai trò là bên bảo lãnh. Hiện nay, vấn đề chủ yếu giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn là vấn đề lòng tin. Khi Mỹ đưa ra một biện pháp, nếu Triều Tiên không tin, thì Trung Quốc có thể đứng ra làm bên đảm bảo và ngược lại.
TTXVN