Hoảng hồn xem lại việc phòng chống cháy nổ ở chung cư cao tầng

Thứ Sáu, 18/9/2015, 8:32 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) -  Bỏ ra vài tỷ đồng để sở hữu một căn chung cư hiện đại, nhưng người dân vẫn không khỏi lo lắng về nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 Có mặt tại chung cư HH4A Linh Đàm (Hà Nội) sáng 17/9, một ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, phóng viên ghi nhận hệ thống thang máy của tòa nhà vẫn ngừng hoạt động, cư dân phải đi bộ hàng chục tầng. Các tầng trên cao cũng chưa có điện do hệ thống điện chưa được khắc phục. Ban quản lý tòa nhà thông báo sự cố sẽ được xử lý trong ngày 17/9.

* Quy định phòng cháy bị xem nhẹ

Trao đổi với phóng viên, một cư dân tại tầng 4 cho biết, khi xảy ra cháy trưa 16/9, hầu hết các hộ dân đều không biết do hệ thống chuông báo cháy bị hỏng. Bảo vệ phải chạy lên từng hộ dân để thông báo sơ tán xuống tầng 1.

“Đặc biệt là không hiểu sao đám cháy từ hộp kỹ thuật ở tầng 33 mà khói lan cả xuống các tầng dưới. Khi chạy vào cầu thang thoát hiểm thì khói cũng mù mịt”, cư dân này cho biết.


 Sáng 17/9, thang máy tại chung cư HH4A Linh Đàm vẫn chưa hoạt động do hệ thống điện vẫn hỏng

Qua tìm hiểu của phóng viên, chung cư này có hai cầu thang thoát hiểm nhưng bên trong tối và hẹp. Hơn nữa, nhiều cửa vào thang thoát hiểm lại mở nên khiến khói dễ dàng bay vào và lan khắp các tầng. Ngoài ra, các hộ dân cũng thắc mắc, khi xảy ra cháy, điện tại các tầng không bị ngắt. “Điều này rất nguy hiểm, chúng tôi không biết cầu dao điện của mỗi tầng ở đâu”, một cư dân cho hay.

Ông Trung, đại diện ban quản lý tòa nhà cho biết, do tòa nhà mới được bàn giao từ tháng 7, cư dân chưa về ở hết, các hạng mục kĩ thuật vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện nên đã xảy ra sự cố cháy. Ban quản lý tòa nhà đã lên kế hoạch tuyên truyền kiến thức phòng chống cháy nổ và diễn tập cho người dân vào ngày 19 và 20/9 nhưng chưa kịp thực hiện thì đã... xảy ra cháy thật.

Tình trạng các khu chung cư coi nhẹ quy định phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả nặng nề không phải là hiếm. Tại nhiều chung cư, các bình chữa cháy không có hoặc không sử dụng được, các cầu thang thoát hiểm thiếu biển chỉ dẫn...

Điều đáng nói là những hiểu biết của người dân về ứng phó với cháy còn rất hạn chế. Trong vụ cháy tại HH4A Linh Đàm nói trên, có trường hợp người dân chạy vào thang máy để xuống tầng 1, sai nguyên tắc cơ bản khi có cháy xảy ra là phải đi thang bộ.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khu đô thị Tây Nam Linh Đàm có quy mô rất lớn, 12 tòa nhà cao từ 35 đến 45 tầng, mỗi tầng có 12 - 15 căn hộ, trong khi chỉ có 2 thang bộ thoát hiểm. Đó là chưa kể đến việc thang thoát hiểm thiết kế không đảm bảo an toàn thì sẽ còn nguy hiểm hơn nữa khi xảy ra cháy.

Thang cứu hộ giải cứu những người ở tầng cao

Theo đại diện Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, đối với nhà cao tầng, toàn bộ hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống thoát nạn phải đạt yêu cầu chất lượng chứ không chỉ dựa vào thang cứu hộ. Hiện nay, trong điều kiện bình thường thang cứu hộ của Hà Nội mới lên tới tầng thứ 18, của thế giới lên được tầng 22.

* Thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ

Từ vụ cháy tại chung cư Linh Đàm, nhìn lại mới thấy hiện có rất ít chung cư mua bảo hiểm cháy nổ.

Theo Nghị định 130/2006/NĐ - CP thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, cũng như Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội đều nêu rõ, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải tham gia mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

Các tổ chức, cá nhân thuê mua nhà phải có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hoặc nộp tiền mua bảo hiểm cho người đại diện quản lý chung cư đó

Các chung cư chưa mua bảo hiểm do đơn vị quản lý và người dân sợ tốn kém và chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng khi các sự cố cháy nổ xảy ra. Anh Nguyễn Thành Long người dân sống tại Khu đô thị Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) cho rằng, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về chủ đầu tư vì tiền bảo hiểm này đã được tính trong giá bán nhà. Hơn nữa, người dân đã phải nộp phí bảo trì nên chủ đầu tư có thể trích một phần để mua bảo hiểm cho các căn hộ.

 Tuy nhiên, về phía các đơn vị quản lý tòa nhà lại tỏ ra khá thờ ơ. Khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ, không ít đơn vị quản lý nhà chung cư cho rằng, các tòa nhà đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng chung (phần khung của tòa nhà) nên phần diện tích trong khu nhà người dân phải tự mua.

Nghị định 52/2012/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy quy định rõ, cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Luật sư Võ Đình Hải cho rằng, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý nhà chung cư có trách nhiệm thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư, phân bổ và công bố công khai mức thu cho người dân biết. Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân thuê mua nhà phải có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hoặc nộp tiền mua bảo hiểm cho người đại diện quản lý chung cư đó.

Bài và ảnh: Hoàng Dương (Tin tức)

Khi phát hiện cháy, cần tuân thủ những hướng dẫn sau đây:

- Khi phát hiện có hỏa hoạn, nhất là trong đêm tối, điện bị cắt, trước tiên người dân phải bình tĩnh suy xét, trấn an tinh thần những người có mặt, sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa (bình chữa cháy, mền chữa cháy, cuộn vòi chữa cháy,...), đồng thời gọi 114 báo cháy.

- Nếu cháy xảy ra ở nhà cao tầng, hãy bình tĩnh kiểm tra, nhận định “gốc lửa” đang bùng cháy từ dưới lên hay từ trên xuống, rồi tìm cách thoát theo hướng ngược lại. - Tuyệt đối không thoát nạn bằng thang máy, bởi khi cháy xảy ra, điện tòa nhà lập tức bị ngắt, bạn có thể bị mắc kẹt khi đang di chuyển trong thang. Hãy thoát nạn theo đường thang bộ, nơi có đèn “Exit - Lối ra”.

- Trước khi mở cửa thoát khỏi căn hộ, hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay (sau đó là sờ tay) lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn, không có nguồn nhiệt mới mở cửa thoát. Khi mở nên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa táp gây bỏng hô hấp. Nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không nên mở cửa.

- Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu. Dùng mặt nạ lọc độc nếu có.

- Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc có sẵn trong nhà để tụt xuống phía dưới. Lưu ý, đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là “sợi dây” thoát nạn lý tưởng. Người dân cần chú ý, mặc nhiều áo và cuốn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt dây.

- Nếu phải băng qua lửa để tới điểm an toàn hơn, hoặc phải ứng cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Khi di chuyển trong phòng, hành lang có nhiều khói, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn.

- Trong mọi tình huống, người dân không thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Trường hợp khẩn cấp, chỉ nhảy khi có đệm không khí và lưới cứu nạn của lực lượng PCCC căng phía dưới, và được lực lượng chức năng chỉ dẫn thoát nạn.

(Theo Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội)


GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến