(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/12/1949, trong thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân đội, Bác Hồ viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới (năm 1950). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sau chiến thắng Thu Đông 1947, ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ.
Sắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp - tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ. Từ đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng đầu tiên của Việt Nam khi mới ở tuổi 37. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh Tư liệu
Ngày 27/5/1948, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức trọng thể lễ phong quân hàm cho vị đại tướng đầu tiên của Quân đội ta vào chiều ngày 28/5/1948.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9/1954, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 219-SL ngày 2/9/1954 thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Điện mật số 1574 lúc 9h30 ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp dưới bí danh “Văn” gửi các đoàn quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mạnh Cường (Tổng hợp từ tư liệu TTXVN)