Hàng trăm di tích tại Hà Nội cần được tu bổ

Thứ Năm, 18/8/2016, 8:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước nhưng cũng có tới hàng trăm di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được tu bổ. Để “cứu” các di tích này, Hà Nội cần nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng và đó cũng là khó khăn của thành phố hiện nay.

Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng

Hà Nội hiện có 5.847 di tích, trong đó có 1 khu di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích cấp quốc gia và 1.179 di tích cấp thành phố. Với vùng đất có bề dầy văn hóa lịch sử, nhiều di tích có tuổi đời cả nghìn năm thì số lượng di tích xuống cấp là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 2.000 di tích xuống cấp, trong đó hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ.

Tình trạng xuống cấp của di tích bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội và bản thân tuổi thọ của di tích. Việc sử dụng di tích không đúng chức năng, mục đích cũng là một trong những yếu tố được tính đến.

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều ngôi đình, chùa được sử dụng làm kho chứa phân đạm, thuốc sâu, bom đạn phá hủy, di tích không được sửa chữa kịp thời. Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, buộc những người quản lý phải gia cố, chống đỡ. Điển hình như đình Vĩnh Phệ (huyện Ba Vì), đình Cổ Chế (huyện Phú Xuyên), đình Xuân Canh (huyện Đông Anh), đình và chùa So (huyện Quốc Oai)…

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên cho biết: Toàn huyện có tới 20 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2015, di tích chùa Phú Đôi, đình Đa Chất, chùa Bìm đã được tu bổ tôn tạo từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia do thành phố cấp và từ nguồn vốn xã hội hóa. Đình Cổ Chế mặc dù đã được huyện Phú Xuyên hỗ trợ 400 triệu đồng chống dột, chống sập nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cần được đầu tư kịp thời. Di tích này đã được thành phố Hà Nội đưa vào danh mục tu bổ giai đoạn 2016 - 2020.

Huyện Phúc Thọ cũng có gần 30 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như: chùa Sẻ, đình Hiếu Hiệp, đình Yên Dục, đình Ngọc Tảo, chùa Bà Tì, chùa Tăng Non… Ông Vũ Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ cho hay, mỗi năm huyện dành ngân sách vài tỷ đồng đầu tư, tu bổ di tích nhưng cũng không giải quyết được nhiều. Để đầu tư tu bổ, tôn tạo bài bản, cần có nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều, huy động từ nhiều nguồn lực, không chỉ riêng ngân sách huyện.

Vẫn trông chờ vào ngân sách thành phố

Theo quy định phân cấp của thành phố Hà Nội, ngân sách cấp nào thì cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sự quản lý của cấp đó. Nguồn tài chính cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được Luật di sản văn hóa xác định từ ba nguồn là ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp quá lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực đầu tư tu bổ. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều quận, huyện có văn bản đề nghị thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ ngân sách trong tu bổ, tôn tạo di tích do cấp mình quản lý.

Nếu tính trung bình, mỗi di tích tu bổ tôn tạo cần khoảng 10 tỷ đồng thì tổng số kinh phí tu bổ di tích là quá lớn. Theo quy định, mức hỗ trợ của thành phố dành cho tu bổ, tôn tạo di tích là 60% tổng kinh phí thực hiện, địa phương lo 40% còn lại. Thế nhưng, nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn lực đối ứng, không xã hội hóa được phần còn lại khi tu bổ di tích. Ngay cả nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ địa phương cho việc tu bổ, tôn tạo di tích những năm qua còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp.

Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai. Trong ba năm 2010 - 2012, trên 500 lượt di tích được tu bổ bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Giai đoạn từ 2013 - 2015, thành phố hỗ trợ kinh phí trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tu bổ tôn tạo một số di tích do cấp huyện quản lý. Tổng số di tích được hỗ trợ tu bổ trong giai đoạn này là 35 di tích, với kinh phí hỗ trợ trung bình 17 - 18 tỷ đồng/di tích. Năm 2016 này, ngân sách sự nghiệp của thành phố tiếp tục hỗ trợ tu bổ cho 44 di tích đã xếp hạng.

Bàn về hướng tu bổ, tôn tạo di tích để “cứu” các di tích đang xuống cấp, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cho biết, đơn vị đang có ý tưởng xây dựng kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích dài hơi trình Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để báo cáo, đề xuất thành phố có những hỗ trợ xứng đáng cho di tích.

Trước mắt, thành phố cần ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di tích cách mạng kháng chiến, di tích mang dấu tích thời Lê - Nguyễn. Cùng với nguồn kinh phí của thành phố, việc đầu tư, tu bổ di tích còn huy động ngân sách của quận, huyện và nguồn lực xã hội hóa.

Số lượng di tích xuống cấp rất lớn, từng di tích cụ thể lại mang giá trị khác nhau, do vậy việc xây dựng thành các nhóm ưu tiên cho hoạt động tu bổ là cần thiết. Thông qua đó, các cơ quan quản lý có thể tham khảo để xây dựng kế hoạch để chủ động về kinh phí và thời gian thực hiện. Di tích được tu bổ khang trang sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần phát huy giá trị di tích.

TTXVN/Đinh Thị Thuận

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến