Hang Sơn Đoòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và những chuyện tình cờ lịch sử

Thứ Sáu, 15/5/2015, 19:1 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 13/5/2015, người dân Mỹ tỉnh dậy và thảng thốt trước vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng. Nhưng, hành trình đưa Sơn Đoòng từ một hang động hoang sơ tới “Chào buổi sáng nước Mỹ” là cả một lộ trình dài với tầm nhìn, nỗ lực và cả những tình cờ may mắn của lịch sử.

Cuộc gặp tình cờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước khi tìm ra Sơn Đoòng, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khu vực VQG Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã là tâm điểm của các cuộc khám phá, thám hiểm hang động. Những hang Tối, hang Vòm, hang Khe Ry lần lượt được tìm ra trong khu vực báo hiệu những tiềm năng lớn về hệ thống địa chất trong khu vực.

Khoảng thời gian đó, một cặp vợ chồng 32 tuổi lần đầu đến Việt Nam, họ là Howard Limbert và Deb (thuộc hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh). Khi ấy, họ chỉ định nán lại Việt Nam một khoảng thời gian không lâu để khám phá. Song, vào mùa Thu năm 1992, một cuộc gặp tình cờ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Howard và Deb cũng như lịch sử hang động thế giới.

Khi vợ chồng Howard vừa trở về trạm Phong Nha sau cuộc thám hiểm, bất ngờ có một chiếc xe hơi xuất hiện (điều rất hiếm vào thời đó). Một nhóm chiến sĩ dẫn đầu bởi vị tướng đĩnh đạc tiến tới vợ chồng nhà thám hiểm. 

Howard (áo vàng) và Deb (giữa) trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Howard kể với phóng viên Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Lúc đầu, chúng tôi hơi lo lắng, không biết mình có làm gì sai không, nhưng chúng tôi nhanh chóng an tâm khi nhận ra người tiến đến chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng bắt tay chúng tôi, hỏi han thân mật và sau đó mời một bữa ăn nhỏ với ông và con gái.

Trong cuộc nói chuyện, khi nghe vợ chồng Howard nói về khát vọng tìm được thế giới hang động ngầm ở Phong Nha- Kẻ Bàng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nhắn nhủ: “Ông bà hãy gắng tìm cho ra thế giới kỳ diệu ấy!”. Howard đáp lại bằng lời hứa sẽ nỗ lực hết mình.

Cuộc gặp chừng vài giờ đồng hồ kết thúc, nhưng lời nhắn của Đại tướng đã theo vợ chồng Howard tới những năm sau này của cuộc đời. Có nhiều lý do để vợ chồng Howard gắn phần đời còn lại của mình với Phong Nha. Song, Howard thừa nhận, lời hứa với Đại tướng trong cuộc gặp tình cờ năm nào là động lực mạnh mẽ nhất để ông quyết tìm bằng được thế giới kỳ bí dưới những tán rừng Phong Nha.

Đến ngày 22/ 4/ 2009, giới khoa học thế giới chấn động khi phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbert dẫn đầu đã công bố hang động lớn nhất thế giới mới được tìm thấy, hang Sơn Đoòng ( nằm trong quần thể VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình).

Khám phá ra Sơn Đoòng là điểm sáng của khoa học hang động thế giới trong nhiều năm. Ảnh: National Geographic.

Sự tình cờ của Hồ Khanh

Cũng trong năm 1990, ông Hồ Khanh, một người nông dân ở Bố Trạch, Quảng Bình vào rừng tìm kế sinh nhai. Trong lúc mệt mỏi, ông muốn tìm một chỗ kín đáo để tránh trú, nghỉ chân. Tình cờ ông thấy một làn mây trắng cùng gió thốc lớn thổi ra. Hồ Khanh tiến tới gần, ông thấy một cửa hang lớn. Ông quyết định nghỉ ở cửa hang này. Đó cũng là bước chân đầu tiên của con người trong hang Sơn Đoòng.

Trở về sau khi nghỉ ngơi tại hang động lớn nhất thế giới, Hồ Khanh không để tâm nhiều đến phát hiện lịch sử của mình. Sau đó ít lâu, VQG Phong Nha- Kẻ Bàng được thành lập, tìm kế sinh nhai trên rừng không còn thích hợp, Hồ Khanh về làm ruộng. Ký ức về lần nghỉ chân ở cửa hang khổng lồ vẫn chỉ là một vùng lờ mờ, lẩn khuất.

Hồ Khanh (phải) cùng Howard trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

18 năm sau, năm 2008, Howard Limbert tìm những người thạo việc đi rừng để tìm kiếm, khám phá hang động. Rồi, cuộc gặp tình cờ giữa Howard và Hồ Khanh đã đưa tên họ vào lịch sử hang động thế giới.

Hồ Khanh đã chấp nhận không lấy tên mình (dù ông được đã từng muốn thế) để đặt tên cho hang lớn nhất thế giới mà ông là người đặt chân đầu tiên. Cái tên Sơn Đoòng Hồ Khanh cùng Howard thống nhất đặt như biểu tượng của những nỗ lực chung, những sự may mắn chung của tất cả những người đã ít nhiều góp công khai phá ra nó.

Sau này, Hồ Khanh trở thành người hỗ trợ đắc lực cho Howard trong các chuyến khám phá, các tour du lịch trải nghiệm ở Sơn Đoòng cùng các hoạt động làm phim tài liệu, làm phim phóng sự về vẻ đẹp kỳ vĩ của sông núi Việt Nam. Hồ Khanh cũng đã mở một quán cafe nhỏ gần Sơn Đoòng vừa để kinh doanh vừa để kể cho những người yêu thiên nhiên, hang động câu chuyện nhỏ về phát hiện lớn của ông và Howard.

Và những điều không tình cờ

Nếu chuyến trong chuyến thăm Phong Nha 23 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tình cờ gặp vợ chồng Howard thì ý định khám phá Việt Nam thời gian ngắn của vợ chồng ông có thay đổi?

Nếu Hồ Khanh không tình cờ phóng tầm mắt lên nhìn đám mây trắng đục bất thường thì sẽ có tràng sơn nào khác tìm thấy cửa hang Sơn Đoòng?

Nếu Hồ Khanh không tình cờ gặp Howard thì ký ức lờ mờ về một chốn nghỉ chân giữa rừng của ông có một ngày “sống dậy”?...

Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh trong những lần đầu thám hiểm Sơn Đoòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng rõ ràng, mẹ thiên nhiên đã rộng lượng ban cho nhân loại Sơn Đoòng. Và, tạo hóa cũng đã mỉm cười khi trao cho Howard, Hồ Khanh những cơ duyên lịch sử để họ tìm ra hang động lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, từ một hang động vô danh nơi núi rừng Phong Nha tới “Chào buổi sáng, nước Mỹ!” cần nhiều hơn thế.

Đó là những nỗ lực cả năm ròng lặn lội nguy hiểm để khai phá, ghi chép, đo tạc của nhóm thám hiểm do Howard dẫn đầu. Những dữ liệu này sau đã giúp chứng minh Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới.

Đó là chữ ký của 60.000 người trên toàn cầu phản đối dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, cùng hàng trăm ý kiến chuyên gia, hàng ngàn bài báo, hàng vạn lời kêu gọi phát đi trên khắp các diễn đàn để bảo vệ sự hoang sơ và vẻ đẹp thiên nhiên diệu kỳ của hang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lặn lội vào hang Sơn Đoòng và gửi lời chào thân thiện tới khán giả Mỹ. Ảnh: Chinhphu.vn

Đó còn là những bước chân của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi lặn lội vào tận hang để gửi lời chào hiếu khách tới 6 triệu khán giả Mỹ từ Sơn Đoòng... Như vậy, bên cạnh việc là pho sử sống đồ sộ về địa chất của trái đất, Sơn Đoòng còn ghi dấu những thân phận, những mảnh đời và cả trách nhiệm, tầm nhìn của những người lãnh đạo.

Phạm Mỹ

dang phuc  (16/05/2015 10:31:52)
dangvanphuoc@gmail.com
Sơn tràng chứ không phải tràng sơn. Ở Quảng Bình chúng tôi gọi người vào rừng khai thác gỗ là thợ sơn tràng, hoặc sơn tràng.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến