(Thethaovanhoa.vn) - Trung tâm dụ báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ 15 km/h. Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Ninh đang dồn toàn lực chống bão.
Ứng phó với bão số 3: Hà Tĩnh khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Hà Tĩnh mặc dù không nằm trong tâm bão nhưng các cấp chính quyền địa phương và người dân đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Đến sáng 19/8, tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa ở nhiều khu vực. Tại địa bàn các huyện miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê…, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát cụ thể và thông báo đến các hộ dân chủ động phòng tránh. Tàu thuyền và ngư dân ở các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đều đã vào thuyền tránh trú bão an toàn.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Đối với sản xuất nông nghiệp, trên 35.000 ha lúa hè thu của tỉnh đang bước vào giai đoạn trổ bông. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh chỉ đạo các huyện khơi thông luồng lạch, trục tiêu, sửa chữa các công trình dưới thân đập để đảm bảo tiêu úng tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến lúa.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác ứng phó với bão số 3. Theo đó, yêu cầu các ngành, địa phương kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; phát lệnh cấm ngư dân ra biển; duy trì chế độ trực ban 24/24h, sẵn sàng thực hiện ứng phó với bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an toàn hồ chứa, đê điều; tiêu thoát lũ; theo dõi diễn biến của mưa lũ, đề phòng lũ quét, sạt lở đất; phối hợp với các lực lượng nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Ứng phó với bão số 3: Nam Định dồn toàn lực gia cố, bảo vệ đê
Nam Định là địa phương có hệ thống đê biển, đê sông dài; trong đó, nhiều vị trí xung yếu đã bị bong xô, sụt, sạt, hư hỏng trong cơn bão số 1 vừa qua. Để ứng phó với bão số 3, tỉnh đang dồn toàn lực gia cố, bảo vệ an toàn các tuyến đê trên địa bàn.
Nam Định tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Theo thống kê, tỉnh Nam Định có 91 km đê biển, trên tuyến có 25 xã ven đê biển với hàng trăm nghìn hộ dân sinh sống ở các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và hơn 270 km đê sông từ cấp 1 đến cấp 3.
Bão số 1 đã làm sụt, bong xô, hư hỏng 20 đoạn đê kè sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy với chiều dài hàng chục km tại các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Ý Yên. Bão cũng đã làm trên 46.900 mét đê, kè từ cấp 4 trở xuống bị ảnh hưởng, gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình trên, tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện tại chỗ để gia cố, bảo vệ các tuyến đê sông, đê biển, chủ động trong mọi tình huống, không để xảy ra vỡ đê, tràn đê.
Trực tiếp chỉ đạo công tác gia cố, khắc phục kè Quy Phú đê hữu sông Hồng, xã Nam Hồng (huyện Nam Trực), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết: Sau khi bão số 1 đi qua, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các tuyến đê bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp khắc phục.
Tại các vị trí đê, chủ yếu là đê sông bị sạt, sụt, hư hỏng, địa phương đang khẩn trưởng gia cố, phấn đấu xong trước khi bão vào đồng thời phân công lực lượng trực, thường xuyên kiểm tra, rà soát để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Tỉnh đã chuẩn bị hàng chục nghìn m3 đá hộc, hàng nghìn chiếc rọ thép, bao tải, vải chống tràn để hộ đê.
Ứng phó với bão số 3: Quảng Ninh mưa kèm theo gió lớn khi bão tiến gần bờ
Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, sáng 19/8, tại 8/14 địa phương trong tỉnh gồm 6 huyện phía đông và 2 thành phố Cẩm Phả, Hạ Long có mưa nhỏ, mưa rào rải rác kèm theo gió, phổ biến cấp 5-6. Lượng mưa đo được từ ngày 16/8 đến 7 giờ ngày 19/8 phổ biến trên dưới 100mm. Cụ thể, mưa nhiều nhất ở Cửa Ông (Cẩm Phả) 188,3mm; Tiên Yên 161,6mm; Bãi Cháy 150mm; 2 huyện Bình Liêu, Vân Đồn 127mm; Móng Cái 109mm và mưa ít nhất ở Cô Tô 76,1mm.
Tính đến 9 giờ ngày 19/8, do ảnh hưởng của bão, tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) có 3 cột đèn điện chiếu sáng bị đổ. Hiện chưa có thông tin thêm về thiệt hại về người và tài sản khác.
Trước đó, chiều tối ngày 18/8, Quảng Ninh đã kêu gọi được gần 8100 tàu thuyền về nơi tránh trú bão, trong đó 410 tàu xa bờ neo đậu tránh trú bão tại các khu neo đậu của địa phương, khu vực Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ - Hải Phòng. Toàn bộ 534 (100%) tàu du lịch đã vào bờ neo đậu vào nơi tránh, trú bão. Các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng chống chắc chắn. Riêng khu vực vịnh Hạ Long, các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được di chuyển đến nới tránh trú bão an toàn.
Trong 2 ngày 18-19/8, Quảng Ninh đã lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo chủ chốt của tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã thường trực 100% quân số, lực lượng và phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng huy động cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Quảng Ninh đã bố trí các phương tiện, máy móc tại các vị trí dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy khi có mưa lớn sẵn sàng tiến hành khơi thông, chống ngập lụt cục bộ.
Theo tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, hồi 4 giờ ngày 19/8, bão số 3 đang tiến vào đất liền, cách bờ biển Hải Phòng – Ninh Bình khoảng 180km về phía Đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-12. Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến, đến 13giờ ngày 19/8, bão sẽ tiến vào vùng biển từ Hải Phòng - Thanh Hóa.
Sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 ở thị xã Quảng Yên.
Nhóm PV - TTXVN