(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/9, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, 9 tháng năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy đối với các khu chung cư, nhà cao tầng tại Hà Nội được thực hiện nghiêm túc. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 100% chung cư trên địa bàn.
Trong tháng 11, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước mở đợt tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà, công trình cao tầng.
Trong quý III năm 2019, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 1.150 lượt cơ sở chung cư; kịp thời phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 57 trường hợp, với số tiền trên 500 triệu đồng. Các chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy đều được đăng trên các trang thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nước sạch Hà Nội kiên quyết không cấp điện, nước cho các công trình khi chưa có văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy để đưa công trình vào sử dụng, từ đó hạn chế tối đa những vi phạm mới phát sinh.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy đã bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn, bất cập. Nhất là chế tài xử lý với các vi phạm trong lĩnh vực này còn chưa đủ sức răn đe. Quy định tạm đình chỉ; đình chỉ hoạt động đối với các chung cư đã đưa vào hoạt động rất khó thực hiện do liên quan đến vấn đề an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong tổng số 79 công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy đã được Hà Nội đăng thông báo trong năm 2017, đến thời điểm hiện nay có 59 công trình khắc phục xong và được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, 1 công trình ngừng thi công, còn 19 công trình tồn tại vi phạm. Đặc biệt, trong 19 công trình vi phạm, chỉ có 11 công trình có khả năng khắc phục, còn 8 công trình còn lại khó có khả năng khắc phục.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố xây dựng đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn thành phố để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; nghiên cứu xây dựng quy trình, phương án tổ chức cưỡng chế đối với các chủ đầu tư có công trình còn nhiều tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy, cố tình chây ỳ không chấp hành; chuyển hồ sơ của các công trình vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Nguyễn Thắng/TTXVN