(Thethaovanhoa.vn) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình công tác số 22/CTr-UBND ngày 2-2-2017 của UBND TP Hà Nội, từ năm học 2017-2018, Hà Nội chính thức áp dụng mức học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập.
Các cơ sở giáo dục tăng học phí là: học sinh nhà trẻ; mẫu giáo; trung học cơ sở (THCS); trung học phổ thông (THPT); giáo dục thường xuyên cấp THCS; giáo dục thường xuyên cấp THPT được quy định ở từng khu vực.
Khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 80.000 đồng/tháng/học sinh); Khu vực nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 40.000 đồng/tháng/học sinh); Khu vực miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 10.000 đồng/tháng/học sinh).
Tuần qua, 2 trận bão liên hồi làm đời sống người dân xáo trộn. Và, còn một trận 'bão' khác gây hoang mang của không ít người: 'bão học phí'.
Việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.
Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học (đối với cấp học mầm non, phổ thông), theo khóa học (đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp); tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Đối với các trường đặc thù như: Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội được xây dựng theo nguyên tắc: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và toàn bộ chi phí quản lý từ tháng 1 đến tháng 5-2018 (theo quy định về lộ trình tính giá của Nghị định 16/2015/ NĐ-CP), nhưng không vượt mức trần đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức thu dự kiến.
Theo Báo Tin Tức