(Thethaovanhoa.vn) - Tính từ 17h ngày 29/9 đến 17h ngày 30/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước (giảm 807 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.550 ca trong cộng đồng).
Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi 527.926 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 756.689 ca mắc. Tại TP HCM, số ca COVID-19 nặng phải thở máy ngày càng giảm.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (4.372), Bình Dương (2.103), Đồng Nai (626), An Giang (172), Long An (125), Kiên Giang (79), Đắk Lắk (64), Tiền Giang (49), Hà Nam (45), Cần Thơ (41), Tây Ninh (39), Bình Thuận (38), Khánh Hòa (30), Quảng Bình (21), Bình Phước (16), Ninh Thuận (15), Phú Thọ (14), Nghệ An (13), Quảng Ngãi (10), Đắk Nông (10), Đồng Tháp (9), Bình Định (7), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Lâm Đồng (5), Phú Yên (4), Bến Tre (3), Bạc Liêu (3), Kon Tum (2), Đà Nẵng (2), Thừa Thiên Huế (2), Quảng Trị (2), Trà Vinh (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hóa (1), Hà Nội (1).
Cập nhật bổ sung mã và thông tin cho 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP. Hồ Chí Minh đã được thông tin vào ngày 28/9/2021 (như vậy tổng số ca nhiễm mới của TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/9/2021 là 3.794 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-327), Bình Dương (-286), Đồng Nai (-273). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (109), Đắk Lắk (49), Bình Phước (16). Trong đó trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.892 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 790.755 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.034 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) ghi nhận số trong nước là 786.208 ca, trong đó có 603.652 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn. Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (388.659), Bình Dương (211.056), Đồng Nai (48.595), Long An (32.468), Tiền Giang (14.000).
Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày: 25.322. Tổng số ca được điều trị khỏi: 608.831. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.815 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.707; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.023; Thở máy không xâm lấn: 218 ; Thở máy xâm lấn: 840 - ECMO: 27.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày ghi nhận 159 ca tử vong, tại TP. Hồ Chí Minh (106), Bình Dương (30), An Giang (7), Đồng Nai (6), Kiên Giang (3), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1). Bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương (28), Long An (14), Quảng Bình (2). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 177 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.301 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới, Bội Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan và thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động (Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế).
Khoảng 01 triệu liều vắc xin Hayat-Vax phòng COVID-19 sản xuất tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã về Việt Nam. Đây là vắc xin bất hoạt, sản phẩm là dung dịch bán trong suốt, có thể dùng đường tiêm bắp (IM), hộp 1 lọ chứa 2 liều, hàm lượng 0,5 ml, chứa 6,5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt và 0,3-0,6 mg/ml tá dược nhôm hydroxyd.
Số bệnh nhân khỏi bệnh tăng kỷ lục, đã tiêm hơn 41 triệu liều vaccine
Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 28/9 đến 17 giờ ngày 29/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước tại 33 tỉnh, thành phố; có 4.984 ca trong cộng đồng.
Mặc dù số ca mắc tăng 4.161 ca so với ngày 28/9, nhưng đã có nhiều tín hiệu vui khi số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 đang có dấu hiệu giảm dần, từ cuối tháng 9, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị lộ trình phục hồi công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân.
Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 23.568 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 583.509 ca.
Ngày 28/9 có 1.097.044 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 41.153.041 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.171.641 liều, tiêm mũi 2 là 8.981.400 liều.
Chấn chỉnh việc thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Nhằm chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế đã có công văn số 8157/BYT- KHTC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân, yêu cầu trong khi chờ Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện mức giá và thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo các hướng dẫn trước đó của Bộ Y tế.
Thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Lưu ý trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bài thuốc đông y hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Bộ hướng dẫn bài thuốc ngọc bình phong tán, nhân sâm bại độc tán, sâm tô ẩm, đạt nguyên ẩm, hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng.
4 bài thuốc trên được Bộ khuyến cáo bác sĩ tham khảo kê đơn và gia giảm cho phù hợp với chẩn đoán, không dùng cho trẻ em. Đối với phụ nữ mang thai, trong quá trình điều trị cần chú ý tới những thay đổi sinh lý khi mang thai.
Bài thuốc ngọc bình phong tán thành phần gồm hoàng kỳ, bạch truật, mỗi loại 16-32 g kết hợp 8-16 g phòng phong.
Bài thuốc nhân sâm bại độc tán thành phần gồm sài hồ, bạch linh, nhân sâm, tiền hồ, cát cánh, xuyên khung, chỉ xác, khương hoạt, độc hoạt, cam thảo, mỗi loại 12 g.
Bài thuốc sâm tô ẩm thành phần gồm nhân sâm, tô diệp, cát căn, bạch linh, mỗi loại 12 g cùng với tiền hồ, trần bì, cam thảo, cát cánh, chỉ xác, mỗi loại 8 g; 6 g mộc hương, 6 g bán hạ chế. Nếu không có nhân sâm có thể thay thế bằng đảng sâm.
Bài thuốc đạt nguyên ẩm thành phần gồm 16 g binh lang, 4 g thảo quả, 4 g cam thảo, hậu phác, tri mẫu, xích thượng, hoàng cầm, mỗi loại 8 g.
Trừ bài đạt nguyên ẩm không có dạng bột thô, các bài thuốc còn lại được bào chế dưới ba dạng là bột thô, cao lỏng hoặc thuốc sắc.
Ở dạng thuốc sắc, có thể sắc thuốc lấy 300 ml chia uống hai lần sau ăn sáng, chiều.
Với dạng bột, mỗi lần uống 8 g, hãm với 150 ml nước nóng như hãm trà, uống khi nước còn ấm mỗi ngày uống hai lần sáng chiều. Riêng bài nhân sâm bại độc tán sau khi hãm trà cho thêm 2-3 lát gừng tươi và 2-3 lá bạc hà tươi. Dạng cao lỏng dùng lượng tương đương một thang thuốc sắc.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi phương thuốc được kê nên dùng trong ba ngày. Nếu không xuất hiện triệu chứng thì tiếp tục sử dụng cho đến khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. Trường hợp xuất hiện thêm triệu chứng thì phải gia giảm bài thuốc, điều chỉnh cho phù hợp.
Giá test xét nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố
Trước dư luận xã hội về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao và đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch về giá của các loại xét nghiệm, ngày 29/9, Bộ Y tế cho biết: Không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.
Theo Bộ Y tế, giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...
Có thể thấy, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.
Ví dụ như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm...
Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 06 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Phục hồi công năng ban đầu của các bệnh viện
Với những tín hiệu lạc quan khi số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19 đang có dấu hiệu giảm dần, từ cuối tháng 9, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị lộ trình phục hồi công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân.
Bắt đầu từ ngày 28/9, Bệnh viện Quận 7 mở cửa lại sau hơn 2 tháng "tách đôi" điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là "bệnh viện xanh" đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đổi công năng quay trở lại hoạt động tiếp nhận khám chữa bệnh thông thường...
Cùng với việc chuyển đổi công năng các bệnh viện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh không phải COVID-19, trong những ngày qua, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố đã mở lại một số hoạt động bị tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã bắt đầu mở lại hoạt động tiêm chủng trẻ em, Đơn vị phẫu thuật trong ngày, Khoa Răng hàm mặt... Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng mở lại hoạt động khám ngoại trú cho người bệnh HIV.... Ngoài ra, dự kiến đến ngày 1/10, Thành phố sẽ cho phép hoạt động trở lại các hoạt động khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa...
Thảo Nhi - P.V/TTXVN. Ảnh: TTXVN phát