Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu cho Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, có tổng chiều dài là 1.555 km, do Liên danh tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (VJC) đưa ra là gần 55,8 tỷ USD.Trong tổng số vốn này, hơn 35 tỷ USD chi phí dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng và sẽ do Nhà nước đầu tư hoặc bảo lãnh vay; chi phí còn lại cho giải phóng mặt bằng, đầu máy toa xe và bảo dưỡng toa xe... sẽ do các doanh nghiệp khai thác vận tải tự lo.
Liên danh VJC gồm: Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông Vận tải (TRICC) cùng 3 đối tác của Nhật là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Hiệp hội dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty trách nhiệm hữu hạn NIPPON KOEI (NK).
Sau khi so sánh và phân tích 3 loại hình công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến trên thế giời là Shinkansen (Nhật Bản), TGV (Pháp) và ICE (Đức) dựa trên các tiêu chí: tốc độ, độ an toàn, tiện nghi cho hành khách, tính đúng giờ, thân thiện với môi trường và năng lực vận tải, VJC đề xuất lựa chọn công nghệ cho đường sắt cao tốc ở Việt Nam là Shinkansen có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Với sự lựa chọn này, đường sắt cao tốc Bắc-Nam là đường đôi, khổ 1435mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 350km/h; trong đó hướng tuyến được ưu tiên triển khai trước là Hà Nội-Vinh và Sài Gòn-Nha Trang.
Trên toàn tuyến có 27 ga, trong đó 2 ga đầu cuối là ga Hà Nội và Hòa Hưng. Dự kiến, đường sắt cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020 sẽ khai thác đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang; năm 2030 sẽ đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng và năm 2035 sẽ đưa vào khai thác đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên tất cả các đoạn tuyến trên, giá vé dự kiến bằng nửa giá vé của máy bay. Đoạn cuối Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khai thác vào năm 2035, kết hợp chạy 2 hình thức tàu nhanh và tàu thường đan xen; thời gian chạy 5 giờ 26 phút với tàu nhanh và 6 giờ 33 phút với tàu thường.
Theo VietNamPlus