Dự Luật an toàn thông tin mạng: Tìm hướng chặn tin nhắn 'rác' và 'clip nóng'

Thứ Năm, 29/10/2015, 21:54 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Việc bảo vệ quyền riêng tư trong dự thảo Luật an toàn thông tin mạng (sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 19/11 tới) là nội dung được thảo luận khá nhiều tại phiên họp Quốc hội sáng 29/10.


Tin nhắn rác là một trong những ví dụ điển hình về tình trạng xâm phạm thông tin cá nhân trên mạng viễn thông hiện nay

“Tôi cũng như nhiều đại biểu không yên tâm khi dự thảo này chưa có quy định về việc bảo vệ thông tin riêng, với lý giải là đã có các văn bản pháp luật khác” – bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Văn phòng Quốc hội cho biết. “Các văn bản đã có chỉ nói tới việc xử lý vi phạm, trong khi Luật này phải có tác dụng phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn.

Nhắc lại vụ một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử khi clip “nóng” với bạn trai bị đưa lên mạng vào tháng 6 vừa qua, bà nhấn mạnh: “ Điều đáng lo ngại và đau xót là trong thời điểm 3 ngày học sinh đó nằm viện trước khi qua đời, những hình ảnh này vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng kèm theo những bình luận hết sức ác ý… Do vậy, tôi xin tha thiết đề nghị hãy cân nhắc bổ sung thêm những nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng”.

Ý kiến của 11 đại biểu trong phiên họp cũng có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của bà Hải: Bộ Luật này cần được bổ sung các biện pháp cảnh báo người dùng, các biện pháp kỹ thuật, các ứng cứu khẩn cấp,  đặc biệt là các quyền yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi, ngừng cung cấp thông tin của người dùng đối với cả các thông tin cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu bị xâm phạm.

Đặc biệt, chia sẻ về việc xâm phạm thông tin các nhân trên mạng internet và mạng viễn thông, Đại biểu Nguyễn Thùy Trang ( Tp HCM) bổ sung thêm về thực trạng tin nhắn “rác” “ Số điện thoại và danh tính của rất nhiều cá nhân, trong đó có thể gồm cả những người đang ngồi ở đây (các ĐBQH- TT&VH)  thường xuyên bị quấy rối bởi những tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, rao bán sim điện thoại…”- bà Trang nói. “Tình trạng này đang gây bức xúc trong dư luận, bởi chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng người ta có thể đã mua được một danh sách hàng chục ngàn thuê bao di động kèm theo tên tuổi, nghề nghiệp và khả năng mua sắm của những người đó.”

Theo đề nghị bà Trang, song song với Luật an toàn thông tin mạng, các cơ quan quản lý trước mắt cần tổ chức thanh tra định kì hoặc đột xuất với các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực này, đồng thời lập kênh thông tin trực tuyến để xử lý phản ánh của người dân về các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân.

Gồm 8 chương và 63 điều, dự luật an toàn thông tin mạng bao gồm một số nội dung như bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Sau khi soạn thảo, dự luật này đã từng được lấy ý kiến tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Cúc Đường
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến