(Thethaovanhoa.vn) - “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam” là chủ đề hội thảo diễn ra vào ngày 20/8 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đối với Du lịch Việt Nam và nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Đài Loan, những ngày cuối tháng 7.2019 này, Tổng cục Du lịch (TCDL) Việt Nam phối hợp với Văn phòng Kinh tế- Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Công ty Cổ phần Hàng không VietJet Air tổ chức Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Khách sạn Shangri-La's Far Eastern Plaza Hotel, thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc).
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết: Du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển.
Trong thời gian tới nhu cầu du lịch được dự báo sẽ tăng 4% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2028, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới…
Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh, xu hướng các loại hình du lịch cũng có thay đổi đáng kể. Sự lựa chọn của khách du lịch trên toàn cầu cho thấy, những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp... ngày càng được ưa chuộng hơn. Tổ chức Du lịch thế giới nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, chữa bệnh, tâm linh sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho dịch vụ cơ bản (ăn, uống, vận chuyển...) chiếm phần lớn. Hiện nay, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho các dịch vụ (mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan giải trí...) tăng lên.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng những xu hướng mới của du lịch toàn cầu đặt ra yêu cầu với các nhà quản lý, nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích đúng tình hình, đưa ra giải pháp, phương án, cách vận hành phù hợp để phát triển ngành du lịch phù hợp với xu thế mới.
Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong mười quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự báo đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ đón 32 triệu lượt khách quốc tế. Đến 2030, ngành du lịch nước ta sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm, đóng góp của du lịch vào GDP khoảng 14%. Như vậy, du lịch Việt Nam sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào cuối thập kỷ tới.
Trước xu hướng phát triển mới của du lịch thế giới, các loại hình và sản phẩm du lịch phổ biến của Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính truyền thống như tham quan, nghỉ dưỡng, lễ hội và tâm linh... Các sản phẩm du lịch của địa phương còn trùng lặp, chưa thật sự phong phú, đa dạng và chưa khai thác được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Một số đại biểu cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần phát triển một số loại hình và sản phẩm du lịch hiện đại để đáp ứng xu hướng nhu cầu của du khách. Trong đó, du lịch Việt Nam cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp với tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền, du thuyền trên vịnh, lặn biển, lướt ván… ở vịnh Hạ Long, biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo... Bên cạnh đó là loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ, leo núi, nhảy dù, dù lượn, chèo thuyền vượt thác, thám hiểm hang động... ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung - Tây Nguyên. Du lịch chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền Việt Nam, tắm nước nóng, nước khoáng, ngâm thuốc Bắc, tắm bùn, ăn chay ở vùng rừng núi Tây Bắc, Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi...
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), một trong những xu hướng của du lịch thế giới hiện nay là ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ để phát triển du lịch thông minh. Điều này mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi ngành du lịch phải vươn lên vượt bậc bằng các giải pháp hợp lý mà trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay cả nước có hơn 1,3 triệu lao động trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang, khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại rất lớn.
Về ngoại ngữ, chỉ có khoảng 60% lao động trong ngành du lịch biết sử dụng ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là chủ yếu (42%), còn lại là tiếng Trung (5%), tiếng Pháp (4%) và một vài ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, số lao động du lịch có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chiếm tỷ lệ còn thấp ( khoảng 15%)...
Thanh Giang/TTXVN