(Thethaovanhoa.vn)- Vừa qua, đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các khâu đột phá về phát triển du lịch tỉnh.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khỏe - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bùi Đình Thi - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2018, ngành VH-TT&DL đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL, chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu để bảo vệ thành công hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hàng năm, tổ chức tốt các hoạt động trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường công tác quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ thông qua việc tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa, hướng dẫn và tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục quan tâm đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao.
Đối với khâu đột phá về phát triển du lịch, những năm qua, Sở VH-TT&DL đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong công tác phát triển du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, trọng tâm là 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tăng cường xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh về văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Một số tồn tại, hạn chế của ngành VH-TT&DL cũng được làm rõ như: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn hạn chế; hoạt động du lịch còn nặng tính mùa vụ; Chưa phát triển được các sản phẩm du lịch đặc trưng và chưa có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch… Các đại biểu cho rằng, để phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong thời gian tới, ngành VH-TT&DL cần đổi mới tư duy trong quản lý, điều hành nhất là công tác quản lý văn hóa nhằm giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đất Tổ; huy động nguồn lực toàn xã hội, tập trung thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch tại tỉnh; rà soát, quy hoạch nhằm phát huy tiềm năng đất đai, cơ sở hạ tầng hiện có…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành VH-TT&DL tỉnh trong thời gian vừa qua và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành VH-TT&DL cần tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ, coi đây là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt của ngành. Đối với khâu đột phá phát triển du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Sở VH-TT&DL phải rà soát, xác định rõ những nơi có thể phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; bám sát vào quy hoạch phát triển du lịch để tham mưu cho tỉnh những định hướng chiến lược cho từng giai đoạn; tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp và hình thành cho được các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, ngành VH-TT&DL phải nghiên cứu phát triển dịch vụ đáp ứng cho phát triển du lịch, dịch vụ gì cần phải xác định cụ thể, đồng thời không được xem nhẹ nhiệm vụ phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Đồng thời, phải rà soát lại các thiết chế văn hóa của các đơn vị trực thuộc, xem nhu cầu cần đến đâu thì sử dụng đến đó, trên tinh thần phải thiết thực, hiệu quả. Về lĩnh vực TDTT, đồng chí yêu cầu ngành quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe cộng đồng cho người dân. Để phát triển thể thao mũi nhọn, phải lựa chọn những môn sở trường, thế mạnh để tập trung đầu tư, huấn luyện; quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đội ngũ vận động viên và huấn luyện viên. Sau khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy, phải xây dựng đề án về vị trí việc làm cho các phòng, các đơn vị trực thuộc sở. Các đơn vị sự nghiệp phải xác định được khung cán bộ quản lý, vị trí cần thiết, có cơ chế thu hút nhân tài theo hướng tự trang trải, không phụ thuộc vào Nhà nước. Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã nghe và cho ý kiến đối với từng kiến nghị đề xuất của Sở VH-TT&DL.
Trước đó, đoàn đã đến thăm và khảo sát thực tế tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ (đơn vị vừa mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đoàn Kịch nói, Đoàn Nghệ thuật Chèo) và Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh (đơn vị vừa được thành lập trên cơ sơ sát nhập Trường Năng khiếu TDTT và Trung tâm Huấn luyện TDTT), Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc ghi nhận tinh thần cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và nghệ sĩ các đơn vị. Chia sẻ với những khó khăn mà các đơn vị vừa thực hiện sát nhập đang gặp phải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần rà soát đánh giá đúng tình hình, tính toán cụ thể mức độ ưu tiên cho từng hạng mục để có kế hoạch đầu tư trước mắt và lâu dài, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nghệ sĩ có năng lực, nhiệt huyết đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị nói riêng, của ngành nói chung. Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất hiện có phục hoạt động của các đơn vị. Đồng chí mong muốn, sau khi sáp nhập, các đơn vị cần phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, gắn bó, biết chia sẻ khó khăn để cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững.
Hoàng Quý
Tối 3/2, tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.