(Thethaovanhoa.vn) - Như đã nói ở các bài trước, sự thay đổi và không rõ ràng về mặt pháp lý cùng với hàng loạt điều chỉnh trên giấy đã khiến cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phủ “chiếc áo” bí ẩn, khó tiếp cận ngay cả với những người dân chịu ảnh hưởng của dự án.
Có hay không sự lạm quyền?
Trở lại Quyết định số 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 1/5000 và quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm do ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh ký ngày 27/12/2005 đã xuất hiện dòng chữ trong Điều 2 “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Nhưng phải 2 năm sau (tháng 11/2007), UBND Tp. Hồ Chí Minh mới “sửa sai” bằng cách ban hành Quyết định số 4954/QĐ-UBND điều chỉnh, huỷ bỏ Điều 2 của Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005.
Trước đó, ngày 10/9/2003, UBND Tp. Hồ Chí Minh có Tờ trình số 4463/UB-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chỉ định đơn vị tư vấn làm chính thức thiết kế quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Căn cứ vào Tờ trình này, ngày 24/11/2003, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký công văn số 1642/CP-CN cho phép thành phố điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm để phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, UBND Tp. Hồ Chí Minh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chưa rõ UBND Tp. Hồ Chí Minh có báo cáo lại nội dung điều chỉnh quy hoạch với Thủ tướng và được Thủ tướng chấp thuận tiếp hay chưa, nhưng đã có nhiều thay đổi so với Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã xác định phạm vi đất thuộc là toàn bộ đất tự nhiên của các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh thuộc Quận 2 với diện tích khu đô thị mới Thủ Thiêm là 737 ha, giảm so với 770 ha trong Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng không đề cập tới 160 ha tái định cư như Quyết định 367 đã nêu mà đưa vào 80 ha Khu đô thị chỉnh trang không thuộc ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về khu đất nằm ngoài ranh dự án trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 17/1/2008, UBND thành phố ban hành quyết định 222/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để làm khu đô thị chỉnh trang kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích gần 336 ha, bao gồm 80 ha chỉnh trang đô thị. Đến đây, 80 ha vốn không thuộc ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã “chui” vào Khu đô thị chỉnh trang kế cận.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh, về mặt pháp lý thì Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 của UBND thành phố căn cứ vào công văn giao quyền của Thủ tướng để thực hiện quyền có nhiều điểm không phù hợp như dùng công văn điều hành để sửa văn bản pháp luật. Việc giao quyền điều chỉnh nhưng không giới hạn phạm vi quyền hạn của thành phố được điều chỉnh đến đâu, dẫn tới sự bất ổn, không phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật và nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.
Tái định cư kiểu… Thủ Thiêm
Vì tính phức tạp của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm nên trong năm 2007, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng bằng Quyết định số 2466/QĐ-UBND ký ngày 5/6/2007. Quyết định này xác định, tổng diện tích đất thu hồi là 772,3 ha với tổng số 10.406 hộ gia đình và 47 cơ quan đơn vị, trụ sở hành chính, 14 trường học, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Mặc dù vào thời điểm này đã có Luật Đất đai 2003 nhưng quá trình thu hồi đất lại không được cụ thể hoá bằng các quyết định thu hồi đối với từng cá nhân, tổ chức. Thực tế từ lúc thực hiện dự án cho đến nay, đã có khoảng 15.000 hộ dân bị di dời. Thành phố bỏ ra kinh phí gần 30.000 tỷ đồng, trả tiền lãi vay thương mại khoảng 2,9 tỷ đồng/ngày.
Theo Kết luận của Thanh tra Thành phố ngày 1/10/2008, việc chỉ đạo phải đảm bảo đủ 160 ha tái định cư, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3-4 địa điểm trên địa bàn quận 2 của lãnh đạo UBND thành phố là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 190/CP-NN ngày 22/2/2002 khi cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 160 ha tái định cư chỉ thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm (quận 2).
Về sau, UBND thành phố đã xác định 6 khu tái định cư 164,5 ha tại các phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái. Sau đó UBND thành phố lại điều chỉnh việc tái định cư 12.500 căn hộ tại phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh và tại Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Nói về cách tái định cư tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, Điều 42 Luật Đất đai 2003 quy định, chính quyền phải lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
“Với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã có sự việc thay đổi và bố trí tái định cư theo quy hoạch Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, khu tái định cư không được tập trung, không ngay tại địa bàn là không tuân thủ và làm sai quy định. Hệ quả là đến giai đoạn thực hiện dự án thì thành phố lại dùng quỹ đất tái định cư để đổi đất cho doanh nghiệp theo hợp đồng BT. Việc thay đổi quy hoạch khu tái định cư 160 ha (theo Quyết định 367) dẫn đến sự thay đổi và xê dịch về ranh giới của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát sinh các tiểu dự án mới ở các khu tái định cư địa bàn khác phải bồi thường giải phóng mặt bằng”, Luật sư Trần Đức Phượng phân tích.
Bài cuối: Đảm bảo mục đích tốt đẹp của dự án
TTXVN/Trần Xuân Tình
Quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) là đúng đắn, cần thiết của Thành uỷ, UBND Tp. Hồ Chí Minh và đã được Bộ Chính trị thống nhất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xảy ra không ít sai sót, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sinh hoạt của người dân cũng như tiến độ triển khai dự án.
Xung quanh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ lúc có quy hoạch đến khi triển khai, liên tục được điều chỉnh với hàng loạt văn bản hành chính được ban hành. Người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án như lạc vào "ma trận" văn bản, không biết rõ đất của mình có nằm trong diện phải giải toả hay không.