(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Từ 6h đến 18h ngày 7/9, nước ta không có thêm ca mắc mới COVID-19.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính từ 18 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 7/9, Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 1.049 trường hợp mắc COVID-19.
Trong số 1.049 trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở nước ta, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong ngày 7/9 có 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, gồm: 10 bệnh nhân (596, 715, 593, 775, 796, 464, 838, 837, 461, 857) tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam; 9 bệnh nhân (547, 625, 594, 842, 840, 905, 964, 521, 841) tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam; 9 bệnh nhân (697, 756, 506, 887, 869, 961, 1023, 661, 895) tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; 5 bệnh nhân (950, 977, 978, 971, 1034) tại Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Hải Dương; 4 bệnh nhân (454, 451, 848, 854) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và bệnh nhân 947 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Như vậy, Việt Nam đã có 853 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi. Trong số các bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế có 14 người âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 19 người âm tính lần 2 và 33 người âm tính lần 3.
Thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bệnh nhân 793 đã được kết thúc ECMO vào ngày 4/9, rút ống nội khí quản ngày 5/9. Hiện tại bệnh nhân đang thở oxy kính mũi 3 l/ph, SpO2 95%, huyết động ổn định, có thể tự ăn đường miệng. Như vậy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã điều trị thành công ca bệnh COVID-19 thứ 2 nguy kịch, từng phải dùng kỹ thuật ECMO và thở máy xâm nhập.
Đến thời điểm này, số ca tử vong ở Việt Nam là 35 người, trong đó phần lớn đều là người cao tuổi, có nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Cả nước vẫn còn 39.975 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó, 903 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 14.746 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 24.326 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
* Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. Bộ Y tế gửi đến nhân dân thông điệp 5K "Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách – Không tập trung đông người- Khai báo y tế".
Bộ Y tế cũng lưu ý 7 biện pháp học sinh cần biết, thực hiện hằng ngày tại trường học để phòng tránh mắc COVID-19:
1.Rửa tay với nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay khô) thường xuyên vào các thời điểm: Trước khi vào lớp; trước và sau khi ăn; sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn.
2.Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp).
3.Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
4.Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, như: Cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn...
5.Không khạc, nhổ bừa bãi.
6.Bỏ rác đúng nơi quy định. Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa tay sạch.
7.Nếu bản thân hoặc thấy học sinh khác có sốt, ho, đau họng, khó thở, cần báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.
TTXVN