(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 26/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố năm 2020.
Trong những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) vẫn diễn biến phức tạp. Với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam được đánh giá là đã triển khai tích cực, có hiệu quả những giải pháp ứng phó; đồng thời, đã kiểm soát bước đầu được dịch bệnh với trọng tâm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng kép của dịch bệnh COVID-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành Du lịch khi khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...
Đối với sản xuất công nghiệp, dự báo sản xuất công nghiệp quý I/2020 vẫn tăng, nhưng thấp hơn mức tăng các năm trước. Ngoài chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 5,75% thì trong tháng 2, có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giảm. Theo đó, nhóm giao thông giảm 2,24%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,58%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,19%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
Dự báo trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I/2020, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn gặp khó khăn do một số nguyên nhân: Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường sử dụng lượng lớn lao động (quản lý, chuyên gia) của nước họ. Việc hạn chế xuất nhập cảnh dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động các nhà máy, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên vật liệu dự trữ có hạn, chủ yếu đủ phục vụ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020. Với tình trạng như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước và FDI thuộc một số ngành như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, điện tử,… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu quý I/2020 dịch bệnh được khống chế thì các công ty, nhà máy tại Trung Quốc đang ngưng trệ do dịch bệnh cũng phải mất một thời gian phục hồi sản xuất.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ các nước; trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp với mức độ đáng kế là 6 nhóm ngành gồm: Dệt may, da giày, sản xuất máy móc thiết bị điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải; xuất khẩu nông sản; sản xuất gỗ và nguyên liệu gỗ; các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chỉ ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện trên địa bàn, nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi và tác động đến tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Về du lịch, nếu dịch bệnh được kiểm soát và kết thúc trong quý I/2020, Giải đua xe công thức 1 diễn ra như kế hoạch cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội diễn ra, ngành du lịch Thủ đô sẽ chặn được đà suy giảm từ quý II và tăng trưởng trở lại từ quý III/2020.
Đồng thời, số lượng khách du lịch quý I giảm 41,3%; quý II giảm 10%; quý III tăng 6,4%; quý IV tăng khá 15,5%. Nếu dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khách du lịch sụt giảm mạnh thì tổng thu từ khách du lịch đạt 95.180 tỷ đồng, giảm 8,3% và đạt 81,5% kế hoạch năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành như: du lịch, công thương,… Tuy nhiên, thành phố cũng nhìn thấy cơ hội và thuận lợi sau dịch. Chúng ta cần nhìn thấy cơ hội cho những ngành kinh doanh mới như: Thương mại, điện tử…, đặc biệt tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do với EU. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ. Hiện nay, Hà Nội có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết như nhiều cụm công nghiệp có thể thu hút doanh nghiệp.
Về giải pháp tăng trưởng, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, làm sao cho người dân yên tâm, tự giác thực hiện hiệu quả việc phòng dịch, phấn đấu trên địa bàn thành phố không để xảy ra lây nhiễm chéo. Đồng thời, thành phố tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đầu tư trên địa bàn. Từng đơn vị, từng ngành cần rà soát, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, nhất là giải pháp về vốn, việc làm...
Tuyết Mai