Dịch Covid-19: Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất

Thứ Bảy, 31/7/2021, 22:20 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 31/7, cả nước ghi nhận 8.624 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca trong nước. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có số ca mắc cao 4.180 ca, Bình Dương 2.075 ca, Long An 544 ca, Đồng Nai 456 ca, Khánh Hoà 335 ca…; có 2.045 ca trong cộng đồng.

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19

Tính đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng là địa phương duy nhất trên cả nước vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào.

Tính đến chiều 31/7, Việt Nam có 145.686 ca mắc, trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới từ ngày 27/4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 31/7, có 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng số ca được điều trị khỏi lên 38.734 ca.

Từ ngày 19-31/7/2021 tại 6 tỉnh, thành phố có 145 ca tử vong do COVID-19 (số 1162-1306). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19-31/7: 90 ca; Tiền Giang từ ngày 21-30/7: 47 ca…

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

* Tiếp tục giãn cách tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì, với thành viên Ban Chỉ đạo (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ Phân tích thông tin) về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 31/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề người dân tự ý trở về quê, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu. Qua theo dõi, nhiều địa phương không kiểm soát được do người dân đi về tự phát; trong số đó, có những người đã mắc COVID-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau. "Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.

Chú thích ảnh
An Giang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo thống nhất, trên nguyên tắc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt, được chính quyền cho phép; do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc này. Các địa phương không kiểm soát được tình hình, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội, sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê hương an toàn, bố trí xe ô tô khách để chở bà con về, không để đi xe máy (nếu cần, có thể bố trí xe tải chở xe máy của người dân về).

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương chăm lo đầy đủ đời sống, sức khỏe người dân; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc đồng ý nguyên tắc tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm hết cho người dân trên địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., để bà con yên tâm ở lại. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các địa phương này, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, sau cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận, ưu tiên cao nhất vaccine phòng COVID-19 cho khu vực này để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. 

* 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đến ngày 31/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 năm 2021; theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này. Ngày 31/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell do Sapharco mua.

Đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Chú thích ảnh

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho thành phố và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại thành phố.

* Cung ứng đủ oxy cho bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 31/7, Tổ công tác Bộ Y tế đã có cuộc khảo sát, nắm tình hình cung cấp oxy tại Công ty Cổ phần NIPPON SANSO Việt Nam. Đây là công ty cung cấp oxy lâu năm trên địa bàn phía Nam đóng tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Ông Nguyễn Trung Hoan, Giám đốc kinh doanh công ty cho biết: Tại khu vực phía Nam, Công ty có 3 nhà máy sản xuất oxy lỏng, công suất 210 tấn/ngày. Dung tích chứa được là 4.000 tấn. Hiện Công ty đang cung cấp oxy cho Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và một số đơn vị khác. Để đảm bảo tốt cho việc điều trị bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Công ty NIPPON SANSO Việt Nam đủ khả năng cung cấp khối lượng lớn oxy theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Với các thiết bị đang có, ngay trong thời điểm hiện nay, Công ty có thể thi công, cung cấp được cho 9 điểm (9 cơ sở điều trị) gồm cả bồn chứa oxy, giàn hóa hơi, bộ điều áp. Cụ thể, Công ty có thể cung cấp ngay oxy cho 2 cơ sở 500 giường (tổng tiêu thụ 48 tấn oxy/ngày); 1 cơ sở 200 giường (tiêu thụ 10 tấn oxy/ngày); 6 cơ sở 100 giường (tổng tiêu thụ gần 30 tấn/ngày).

Chú thích ảnh
Bình Phước đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến quy mô 180 giường. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Trung Hoan khẳng định, Công ty NIPPON SANSO Việt Nam có khả năng sản xuất và vận chuyển gấp nhiều số lượng trên. Tuy nhiên do thiết bị thiếu, nên sản lượng cung còn giới hạn. Vậy nên trước mắt sẽ cung ứng tốt cho 9 cơ sở điều trị (chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh) theo yêu cầu của Bộ Y tế.

* Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại Cần Thơ, Vĩnh Long

Chiều 31/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy mạnh mẽ hệ thống chính trị cơ sở, sự tham gia tích cực của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh cần thực hiện song song 2 biện pháp, vừa tập trung thực hiện tốt việc truy vết, cách ly, vừa khoanh vùng, phong tỏa phù hợp. Cụ thể, ngay khi phát hiện ca nhiễm mới tại khu vực, địa bàn mà không rõ nguồn lây trong cộng đồng, có khả năng lây nhiễm thì cần lập tức khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại khu vực đó. Sau khi có kết quả xét nghiệm, tiến hành phong tỏa gọn lại để giảm ảnh hưởng đến người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Vĩnh Long là một trong những địa phương được ưu tiên bố trí vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên tốc độ tiêm chủng của tỉnh còn quá chậm, chỉ mới đạt 39% số lượng vaccine được phân bổ. Do đó, tỉnh cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine trên toàn địa bàn, theo nguyên tắc không giới hạn số liều tiêm mỗi ngày, tiêm ở mọi địa điểm, lưu động là chính, cố định là phụ; ưu tiên tiêm cho người có bệnh lý nền và người trên 65 tuổi, khu phong tỏa, khu đông dân cư... Tỉnh cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế công lập và tư nhân, các bệnh viện...

Trước đó, tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, Cần Thơ đang thực hiện Chỉ thị 16 thì phải thực hiện cho nghiêm, nếu không thành phố sẽ bỏ phí thời gian đã thực hiện. Dịch COVID-19 lây giữa người với người, nếu không tiếp xúc giữa người với người thì sẽ kiềm soát được nguồn lây.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định việc xét nghiệm đối với Cần Thơ là hết sức quan trọng. Thành phố muốn giảm tốc độ lây nhiễm thì phải vừa thực hiện giãn cách xã hội nghiêm vừa phải thực hiện xét nghiệm nhanh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố Cần Thơ tiêm càng nhanh càng tốt, không giới hạn số liều tiêm mỗi ngày, ưu tiên người trên 65 tuổi, khu phong tỏa, tập trung chỗ đông dân trước, đẩy nhanh tiêm mũi 1...

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến