(Thethaovanhoa.vn) - Không phải tới sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, công tác di dời các nhà máy ô nhiễm môi trường mới được các cấp, các ngành và người dân Thủ đô quan tâm.
Nhiệm vụ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Địa điểm di dời được chọn theo phương án 3 trong đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP). Theo đó, trụ sở các bộ, ngành được phân chia về cả 2 khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây.
Nhận thấy nguy cơ gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi cho nội thành, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc di dời nhà máy, cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô đang rất chậm trễ.
Làm rõ thực tế này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết đăng phát ngày 9 và 10/11/2019.
Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28/8, vụ cháy lớn bùng phát cùng khói đen bao trùm khu xưởng gần 6.000 m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đến nay, người dân Hà Nội chưa nguôi ngoai về vụ việc. Ngọn lửa của đám cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản của công ty, khiến chất thủy ngân bị phát tán gây độc hại cho sức khỏe con người nhưng qua đám cháy đã sáng tỏ nhiều điều làm dư luận giật mình. Đó là sự chậm trễ, ì ạch và cả sự thiếu trách nhiệm của thành phố Hà Nội cũng như cơ quan chức trách trong việc đôn đốc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Doanh nghiệp cố thủ ôm "đất vàng"
Theo danh sách của thành phố Hà Nội công bố, trên địa bàn có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Nằm trong danh sách này phải kể đến những cái tên vang bóng của thời bao cấp: Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp) rộng hơn 13.000 m2; Công ty Cơ khí ô tô 3-2 (18 Giải Phóng) rộng hơn 14.000 m2 (quận Đống Đa); Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (25 Trương Định); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt kim Đông Xuân; Nhà máy Dệt Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); Nhà máy Bia Hà Nội (Ba Đình) với diện tích 50.000 m2... Những cơ sở này đều được xây dựng cách đây vài chục năm, nằm sát khu dân cư nên mỗi khi hoạt động gây ra tiếng ồn, khói bụi.
Người dân phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), nhà gần Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt kim Đông Xuân cho biết, vào ban đêm thường xuyên có những cột khói trắng, khói đen, vàng đục được xả ra từ phía công ty. Khi đó, nhiều hộ dân xung quanh đều ngửi thấy mùi khét và hắc, thậm chí có người cảm thấy khó thở. Dù đã nhiều lần kiến nghị với cấp chính quyền nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa di dời. Trong khi đó, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy mới ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và đi vào hoạt động ổn định.
Khu vực đường Nguyễn Trãi phường Thượng Đình (Thanh Xuân) là điểm nhức nhối nhất với cụm các nhà máy gây ô nhiễm. Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long... đều có nhà máy tại đây. Người dân sống xung quanh khu vực này cho biết, hàng ngày trong không khí toàn mùi xà phòng, thuốc lá.
Không chỉ những nhà máy kể trên, hiện nay có khá nhiều cơ sở chây ỳ việc di dời để trả lại “đất vàng” cho Thủ đô. Một doanh nghiệp thuộc diện di dời thổ lộ, tâm lý chung là không muốn ra khỏi nội thành vì nhiều năm đã gắn bó ở đây. Hơn nữa, nhiều công nhân viên đều đang ở quanh nội thành nên khi nhà máy xây dựng tại ngoại thành hoặc tỉnh thành khác sẽ rất khó tuyển dụng lao động có tay nghề. Mặt khác, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp, không thể đầu tư xây mới khi chưa xử lý được đất ở chỗ cũ.
Theo UBND thành phố Hà Nội nhận định, tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố.
Loay hoay phương án đền bù
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường thuộc Bộ Giao thông Vận tải có địa chỉ tại số 460 đường Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, hoạt động từ năm 1962. Doanh nghiệp này nằm trong diện phải di dời để phục vụ cho dự án giao thông đô thị của Bộ Giao thông Vận tải và theo đúng chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô của thành phố Hà Nội. Chủ trương đã có, kế hoạch đã được đề ra nhưng phương án đền bù vẫn chưa thống nhất nên dự án bị treo nhiều năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong khuôn viên của công ty, máy móc thiết bị chiếm một diện tích cực kỳ khiêm tốn, một phần trong số đó đã lâu không được sử dụng. Thay vào đó, phần lớn diện tích dành cho 20 xưởng in lớn nhỏ, 2 cơ sở giặt là cùng hàng loạt kho bãi và ki-ốt kinh doanh đang sử dụng sai mục đích. Ông Đào Đức Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường cho biết, doanh nghiệp đã chuyển một phần hoạt động sản xuất về huyện Thanh Trì (Hà Nội). Tại số 460 Trần Quý Cáp, công ty chưa được đền bù nên chưa có tiền để di dời toàn bộ nhà máy về nơi mới. Nhiều năm không di dời được, doanh nghiệp không thể chủ động các kế hoạch kinh doanh, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê đất ở khu mới. Chính cái vòng luẩn quẩn ấy, kéo doanh nghiệp ở lại nội đô.
Do chưa chốt được phương án đền bù, nhiều doanh nghiệp nằm trong diện di dời song cũng không biết chính xác đến thời điểm nào khu đất của mình sẽ bị thu hồi, trong khi muốn chuyển đi nơi mới lại thiếu nguồn lực. Do vậy, tạm bợ là tâm lý chung của cả doanh nghiệp có đất cho thuê và những người đi thuê đất. Tuy nhiên, dù là tạm bợ nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiến hành sản xuất thế nên nhiều nhà máy lâu ngày không được đầu tư, có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm đối với khu dân cư vẫn hiển hiện ngay giữa Thủ đô.
Phía sau những nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là nhiều doanh nghiệp đang tìm cách hợp tác với những đối tác có tiềm lực kinh tế để tìm cách biến diện tích đất vàng mà doanh nghiệp đang nắm giữ để chuyển đổi mục đích sử dụng thành chung cư, nhằm thu lời sau di dời.
(Bài 2: Để "đất vàng" sau di dời phục vụ cộng đồng)
Mạnh Khánh