(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đón từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó từ 8-9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151.000 tỷ đồng; đến năm 2030 dự kiến đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270.000-300.000 tỷ đồng. Đó là mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND thành phố ban hành ngày 30/9.
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch đang từng bước vượt qua khó khăn để hồi phục. Sau một thời gian đình trệ, giờ đây thị trường du lịch đang mở ra những xu hướng mới buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải chuyển động để thích ứng. Sự sàng lọc khiến doanh nghiệp phải năng động hơn lên.
Theo đó, Hà Nội phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Hà Nội chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Để thực hiện mục tiêu, bên cạnh việc đổi mới tư duy về phát triển du lịch, Hà Nội tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển du lịch. Thành phố tiếp tục thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đảm bảo chất lượng cao, đồng bộ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc; dự án tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm… được đẩy nhanh thủ tục đầu tư.
Thành phố đã có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch, dự án điểm trung chuyển khách phục vụ du lịch, dự án khách sạn – trường học nhằm bổ sung nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao thời gian tới. Đáng lưu ý, Hà Nội khuyến khích phát triển các công trình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cơ sở lưu trú cũng được phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Hà Nội tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trong các lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, ẩm thực… nâng cao chất lượng điểm đến. Cụ thể, Hà Nội ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh cho các khu, điểm du lịch.
Một mặt, Hà Nội phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế từng địa phương, mở rộng hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe và nhất là thúc đẩy du lịch hội nghị, hội thảo gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa, hội nghị quốc tế lớn, thông qua đó góp phần khẳng định vị thế, dấu ấn Thủ đô, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa Hà Nội.
Ngọc Huy