(Thethaovanhoa.vn) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió phát triển đến mực 5000m nên trong đêm 5 và sáng 6/7, ở vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 30-50mm/12 giờ, có nơi trên 70mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Dự báo thời tiết: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 3/7, nhiều khu vực có mưa và dông, riêng vùng núi Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Hiện nay, trên khu vực các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Đắk Nông cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 3 giờ vừa qua (từ 12 giờ-15 giờ ngày 5/7) tại lưu vực Công An 52,8mm, đập Suối Vực (Phú Yên) 23,8mm, trạm Lạc Dương 75,4mm, Suối Vàng 44,2mm, Tân Hà 99,4mm, Hoài Đức (Lâm Đồng) 36,8mm, Thuận Hạnh 72,4mm, Nghĩa Thắng 43,8mm, Đăk Hòa (Đăk Nông) 41,6mm.
Cảnh báo, trong khoảng 1-3 giờ (từ 15 giờ - 18 giờ ngày 5/7), trên khu vực các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Nông tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Trong 3-6 giờ tới (từ 18 giờ - 24 giờ ngày 5/7), lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Nông.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng); Đăk Song, Đăk RLấp (Đắk Nông).
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ trung bình tại huyện: Sơn Hòa (Phú Yên); Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm (Lâm Đồng); Đăk Glong, Krông Nô, Tuy Đức (Đắk Nông). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia từ ngày 6/7, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 50-60%.
Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ. Từ ngày 8/7, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt gia tăng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Từ ngày 9/7, nắng nóng sẽ gia tăng ở Bắc Bộ, trung du và đồng bằng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Thủ đô Hà Nội từ 6-8/7 có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C; từ ngày 9/7, nắng nóng và nắng nóng gay gắt gia tăng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Cảnh báo, đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt gia tăng và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 6/7, chỉ số tia cực tím (UV) ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
Thắng Trung/TTXVN