Đó là một trong những ý tưởng đột phá và gây tranh luận tại Hội thảo Bảo tồn và Phát huy giá trị không gian kiến trúc - Văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm, Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô, hôm qua (8/10) tại UBND Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Vẫn “nóng” phố đi bộ quanh Bờ Hồ
Ông Tô Anh Tuấn (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) cho biết: Trong những năm qua, đã có nhiều ý tưởng và phương án tổ chức khu vực Hồ Gươm thành khu vực đi bộ. Kế hoạch này đã thu hút sự quan tâm, thảo luận của đông đảo công luận.
Theo ông Tuấn, Hồ Gươm hội đủ những yếu tố để trở thành phố đi bộ như: là khu vực trung tâm truyền thống, đa chức năng của thành phố; mang khuôn viên vườn hoa, cây xanh, xung quanh tạo nên quang cảnh đẹp, môi trường trong lành; Hồ Gươm cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa trong đó nổi bật là đền Ngọc Sơn- Tháp Bút, Đài Nghiên và một số công trình văn hóa, khu mua sắm, dịch vụ hỗ trợ....
Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống không gian ngầm ở khu vực Hồ Gươm có thể phá vỡ cảnh quan và sự toàn vẹn của di tích. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận “mức độ thuận lợi” để làm phố đi bộ quanh Bờ Hồ chưa cao cũng như hậu quả khôn lường nếu phương án này thất bại. Do vị trí, chức năng đặc biệt của khu vực Hồ Gươm, “bất cứ phương án chuyển đổi nào (thành khu vực đi bộ hay một khu chức năng nào khác) đều phải duy trì và phát huy giá trị ưu việt vốn có của khu vực. Mọi phương án làm suy giảm các giá trị đã có, làm cho khu vực kém hấp dẫn và sôi động hơn đều là thất bại và thất bại đối với khu trung tâm thành phố sẽ là một thất bại hết sức đắt giá”- ông Tuấn nói thêm.
Không gian ngầm quanh Hồ Hoàn Kiếm?
Trong lúc ý tưởng phố đi bộ quanh Bờ Hồ vẫn luẩn quẩn không thể thành hình (như bao cuộc hội thảo trước), ông Ryosuke Kimura, công ty Nikken Sekkei đề xuất một ý tưởng táo bạo, đó là xây dựng hệ thống không gian ngầm quanh Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Điều này vừa giải được “bài toán phố đi bộ”, khi tạo bãi đỗ xe ngầm, vừa khiến khu vực Bờ Hồ trở thành điểm đến thuận tiện của người Hà Nội với hệ thống tàu điện ngầm.
“Không chỉ đơn thuần xây dựng từng bãi đỗ xe ngầm riêng biệt mà cần xây dựng hệ thống đường ngầm để kết nối thành hệ thống các bãi đỗ xe ngầm, đưa xe cơ giới từ trên mặt đất xuống không gian ngầm với quy mô toàn khu vực” - ông Kimura cho biết.
Đại diện công ty Nikken Sekkei đánh giá đề xuất của ông đảm bảo tính khả thi của các dự án tái phát triển đô thị nhờ kết hợp giữa ga tàu điện ngầm và phát triển kiến trúc. Đồng thời, nhờ vào các dự án phát triển quy mô lớn, đồng bộ có thể xây dựng được không gian mở công cộng, nhộn nhịp tại khu vực di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt- hồ Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa không đồng thuận với đề xuất của ông Kimura. Họ cho rằng, việc xây dựng bãi đỗ xe, tàu điện ngầm ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận “lợi bất cập hại”. Đề xuất có thể giải quyết được một vài khó khăn trong quy hoạch đô thị ở khu vực đặc biệt này song lại có quá nhiều mặt trái phát sinh.
Cụ thể, đề xuất không phù hợp cả về mặt kiến trúc lẫn văn hóa đặc thù của Hồ Gươm. Bởi những công trình ngầm quy mô lớn có thể phá vỡ cảnh quan cũng như sự toàn vẹn của di tích cũng như nét thâm trầm riêng có của Hồ Gươm, “trái tim của Hà Nội”.
Hội thảo kết thúc trong chiều cùng ngày với nhiều đề xuất khác. Giống như đề xuất làm hệ thống không gian ngầm ở Hồ Gươm, tất cả đều có mang những lý thuyết căn bản rất đẹp song chưa xuất hiện đề xuất nào thực sự khả thi để bảo tồn và phát huy hết giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt của Hà Nội.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa