(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo của một số môn của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, nhiều giáo viên dạy các môn khoa học xã hội nhận định, học sinh sẽ dễ đạt điểm tốt ở các môn Lịch sử, Địa lý bởi đề thi khá nhẹ nhàng, vừa sức.
Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của 7 môn: Toán học, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Các môn còn lại sẽ tiếp tục được công bố.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử ở Trường Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hoá), cho biết: Đề thi tham khảo môn Lịch sử gồm 40 câu trắc nghiệm bám sát nội dung tinh giản, tập trung trọng tâm vào kiến thức lịch sử lớp 12.
Bên cạnh đó, có 2 câu Lịch sử lớp 11 bao gồm nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất. Đồng thời, có 2 câu liên hệ kiến thức giữa lịch sử lớp 11 và lịch sử lớp 12 thuộc phần lịch sử Việt Nam. Đề thi có sự phân hóa từ câu 31 đến câu 40, trong đó phân hóa mạnh từ câu 35 đến câu 40. Như vậy, so với đề thi chính thức năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi tham khảo năm 2021 có sự thay đổi nhẹ, nội dung không chỉ ở lớp 12 mà có câu hỏi thuộc lớp 11.
Về phổ điểm, theo thầy Hồ Như Hiển, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35. Để đạt điểm 9,10, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý ổn định.
Đối với môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận xét: Đề thi tham khảo khá nhẹ nhàng, dù môn chỉ để xét tốt nghiệp thì học sinh vẫn có thể làm được trên 7 điểm. Học sinh khá, giỏi có thể làm được trên 9 điểm. Mức độ khó tăng dần, có thêm các câu hỏi khó ở cuối đề và khó hơn đôi chút so với đề thi chính thức năm 2020.
Đề thi Địa lý có 40 câu trắc nghiệm, hoàn toàn thuộc khối kiến thức Địa lý lớp 12. Trong đó, kiến thức Địa lý có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên (4 câu), Địa lý dân cư (2 câu), Địa lý các ngành kinh tế (7 câu), Địa lý vùng kinh tế (8 câu); kỹ năng Địa lý có 19 câu trong đó: 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ. Câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học: 90% kiến thức cơ bản (nhận biết, thông hiểu), 10% nâng cao (vận dụng và vận dụng cao). Vì vậy, học sinh không khó để đạt được điểm 9.
Lưu ý với các thí sinh lựa chọn môn Địa lý cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thầy Vũ Hải Nam nhấn mạnh: Địa lý là một trong những môn học dễ đạt điểm tốt nếu biết cách học phù hợp. Đề thi không có câu hỏi kiểm tra số liệu hay đi vào quá chi tiết mà chủ yếu là kiểm tra đặc trưng của các đối tượng địa lý và mức độ thông hiểu của học sinh.
Để làm bài hiệu quả, các em cần có kế hoạch và phương pháp học cụ thể, đúng trọng tâm, bám sát kiến thức cơ bản, kết hợp luyện đề để có tâm lý làm bài vững vàng. Do phần kỹ năng thực hành Địa lý dễ lấy điểm nên học sinh cần chú trọng ôn luyện phần này. Cụ thể, rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu và nhận dạng biểu đồ.
Việt Hà/TTXVN