(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm mới, nhiều người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ dâng sao giải hạn với mong muốn một năm mới bình an. Và các hoạt động cúng, lễ, dâng sao lại diễn ra vô cùng sôi động với nhiều cảnh tượng chen lấn xô đẩy, vái vọng từ xa...
Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Thượng Nguyên trong văn hóa Việt Nam và nó khác hoàn toàn với Tết Nguyên Tiêu của Trung Quốc.
Theo Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam (www.phatgiao.org.vn), trong giáo lý Phật đà không có cái gọi là cúng sao, giải hạn. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…
Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam cũng dẫn lời Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đăng trong cuốn "Bước đầu học Phật" khẳng định: "Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”.
Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển đã chỉ sự bất cập trong việc dâng sao giải hạn tại chùa: “Việc nhà chùa làm việc dâng sao giải hạn là không đúng tinh thần thuần khiết của Phật giáo, không đúng tinh thần nhà Phật. Trong thời đại hệ thống thông tin, khoa học phát triển nhưng có thể khủng hoảng xã hội và đạo đức xã hội nên người ta quay ra bám víu lòng tin chẳng có căn cứ nào cả…”.
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh cũng cho rằng dâng sao giải hạn trong nhà chùa - khá phổ biến hiện nay là chưa đúng với tinh thần của Phật giáo. Theo ông Huỳnh, về nguyên tắc, các vị tinh tuế trên trời nằm dưới sự cai quản của của Chân Vũ Đại Đế hay còn gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ, nơi thờ ngài ở đền Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Và chỉ duy nhất Huyền Thiên Trấn Vũ mới giải được Thái Tuế và Sao hạn. Ngoài những nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ như đền Quán Thánh, chúng ta có thể lập giàn lễ ở ngoài trời. Tất cả các nghi lễ khác không có giá trị trong việc hóa giải thái tuế và giải sao.
Ông Huỳnh cũng lưu ý, để được giải hạn, bên cạnh thực hiện nghi lễ, quan trọng nhất là mỗi người cần giữ thân, giữ tín, giữ khẩu, đồng thời, chấp hành nghiêm Luật Tam giới (luật trời, luật người, luật đất), đừng báng bổ, xúc phạm thần tiên, chấp hành pháp luật nhà nước, có hiếu với ông bà, cha mẹ, không động chạm mồ mả, tín ngưỡng… khi đó, mỗi người đã tự giải hạn cho chính mình.
GS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian cho biết, mỗi năm người Việt có quan niệm gặp các sao tốt phải cúng đón, gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái. Nhưng đó cũng chỉ là quan niệm, chưa ai có thể khẳng định đó là nghiên cứu đúng đắn.
Chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: “Mỗi ngôi chùa Việt là tổ hợp của một số tín ngưỡng dân gian và Phật giáo. Phật giáo trong quá trình du nhập và tiến triển cũng đã hỗn dung với nhiều tín ngưỡng địa phương. Việc dâng sao giải hạn là nhu cầu tìm đến sự an yên trong đời sống, khó bỏ triệt để, chỉ có thể tiết chế ở mức độ nào đó”.
KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh thêm: “Đừng vội cho cái này cái nọ là "chính kiến" hay "tà kiến" mà cần phải tìm xem vì sao lòng người bất an, phải bấu víu vào tục nọ, lệ kia để làm giải pháp tâm lý cho mình. Mọi thứ con người nghĩ ra đều hay ho. Nhưng khi nó bị lợi dụng, xuyên tạc đi cũng bởi người tham gia nhẹ dạ hùa theo, không tự suy xét đúng sai hay dở nên u mê mà thành việc xấu…”.
Hoài An (Tổng hợp)