(Thethaovanhoa.vn) - Buổi lễ cầu siêu và đấu giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử (22/7) đã để lại nhiều xúc động cho người trong cuộc. Sau 27 năm, nhiều đồng đội trong trận chiến bảo vệ đảo san hô Gạc Ma ngày 14/3/1988 bị Trung Quốc bắt giam mới gặp lại nhau.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã ghi lại cảm xúc của các chiến sĩ và thân nhân của các liệt sĩ nhân sự kiện này tại buổi chia tay vào trưa ngày 23/7. Cựu chiến binh Phạm Xuân Trường (Hà Tĩnh), từng bị Trung Quốc bắt giam sau trận Gạc Ma, mong muốn có nhiều chương trình như thế này để các đồng đội năm nào được gặp nhau nhiều hơn.
Ấm lòng thân nhân các liệt sĩ
Chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (Quảng Bình), chia sẻ: “Suốt 27 năm qua, tôi chưa bao giờ được thấy chương trình lễ cầu siêu 64 liệt sĩ hào hùng như lần này.
Tôi rất ấm lòng và những người vợ, người mẹ có người thân hy sinh tại Gạc Ma chắc cũng như vậy. Dù còn hy sinh mất mát bao nhiêu xương máu đi nữa, tôi nguyện sẽ động viên con cháu sẵn sàng cầm súng để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để không phụ tình nghĩa sâu nặng của những người đã hy sinh như chồng tôi”.
Các chiến sĩ Gạc Ma ngày nào và BTC Lễ cầu siêu, đấu giá bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử"
Tại buổi lễ, khi xem lại đoạn clip do Trung Quốc quay cảnh thảm sát các chiến sĩ Gạc Ma, vợ và con của liệt sĩ Trần Văn Phương - người quyết giữ vững lá cờ Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng - đầm đìa nước mắt. Liệt sĩ Trần Văn Phương cũng chính là nhân vật giữ lá cờ Tổ quốc trong bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang.
Chị Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương xúc động: “Dịp này là những ngày đặc biệt đối với gia đình. Ba tôi hy sinh là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn đối với mẹ con tôi, không gì có thể bù đắp được. Nhưng noi gương người cha đáng kính, người mà trong tâm khảm tôi hết sức tự hào, tôi đã cố gắng để vượt qua tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đi theo sự nghiệp người lính của ba. Tôi mong rằng sẽ góp sức mình vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là vùng biển thiêng liêng - nơi mà ba tôi cùng đồng đội đã không tiếc thân mình để quyết gìn giữ”.
Sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần
Cựu chiến binh Lê Văn Đồng (Quảng Bình), từng bị Trung Quốc bắt giam trong trận Gạc Ma, cho biết: “Khi xem clip về cuộc hải chiến khốc liệt tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 hiện lên trên màn hình, lòng tôi lại thêm một lần quặn đau.
Các đồng đội ơi, Phương ơi, Thiềng ơi, Trị ơi… thế là mình còn may hơn các cậu. Nếu các cậu có linh thiêng thì hãy về đây để cùng anh em và mọi người dự lễ cầu siêu ngày hôm nay. Tất cả chúng tôi đều không quên các cậu”.
Bà Mai Thị Hoa và chị Trần Thị Thủy, là vợ con của liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ) đã đầm đìa nước mắt khi xem lại clip những người lính Việt Nam bị sát hại tại Gạc Ma năm 1988
Còn cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh), không nén nổi cảm xúc: “Tôi không thể kìm nén được nước mắt khi những đồng đội sau 27 năm mới có cơ hội được gặp lại nhau. Tôi cũng xin nhắn nhủ rằng: nếu quân xâm lược phương Bắc cũng như các thế lực thù địch có ý đồ xâm chiếm bờ cõi nước ta thì chúng tôi sẵn sàng lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc một lần nữa”.
Cựu chiến binh Trần Thiên Phụng (Quảng Trị), hiện là thương binh 4/4, từng tham gia trận hải chiến ngày 14/3/1988 và bị Trung Quốc bắt vào lúc 5h30 sáng cùng ngày. Sau bao năm bị giam cầm ở trại tù binh ở bán đảo Lôi Châu, thuộc thành phố Trạm Giang, Trung Quốc, cho đến tháng 8/1991 anh mới được phía Trung Quốc trao trả.
Anh Trần Thiên Phụng, cho hay: “Lúc trở về bên gia đình, được tin người bạn thân cũng là đồng đội của tôi trong trận hải chiến 14/3/1988 ở Gạc Ma đã hy sinh, tôi không khỏi bàng hoàng.
Sau bao năm được trở về với cuộc sống đời thường, tôi rất xúc động khi vẫn được xã hội quan tâm, tạo mọi điều kiện cho chúng tôi cũng như đồng đội đã hy sinh tại đảo Gạc Ma được hội ngộ trong một chương trình mang ý nghĩa tâm linh cũng như được diện kiến những tấm lòng thơm thảo của nhân dân dành cho chúng tôi và các liệt sĩ”.
Như thethaovanhoa.vn đã đưa tin, bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" đã đấu giá được 1 tỷ 280 triệu đồng. Như vậy, mỗi gia đình liệt sĩ khi bảo vệ Gạc Ma năm nào sẽ được nhận 20 triệu đồng từ tiền đấu giá bức tranh này.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa