(Thethaovanhoa.vn) - Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 6 vừa qua, chất vấn về tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, "tư lệnh ngành văn hóa" cần quan tâm hơn đến môi trường biểu diễn nghệ thuật.
Ngoài ra, bà Hiền có nhắc đến trường hợp một cá nhân xâm hại tình dục trẻ em ở nước ngoài, khi về Việt Nam vẫn hoạt động trong môi trường liên quan đến trẻ em, thậm chí hoạt động rất tự do và đăng đàn công khai tuyển sinh.
Buông lỏng quản lý, trẻ đang gặp môi trường bất an
ĐBQH của tỉnh Phú Yên nói với Thể thao & Văn hóa (TTXVN)
- Vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay trong lĩnh vực này là các giải pháp hiệu quả để quản lý gameshow hay các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em hiện nay. Vì tôi nhận thấy, sự buông lỏng và thiếu quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước ở sân chơi này rất dễ tạo môi trường bất an đối với trẻ.
* Vì sao thưa bà?
- Nếu không có người giám hộ hoặc có cơ quan tổ chức đại diện bảo vệ quyền trẻ em tại các chương trình đang có xu hướng thương mại hóa này, thì quyền trẻ em rất dễ bị xâm phạm mà không phải phụ huynh hay người giám hộ nào cũng dễ dàng nhận ra, cũng đủ hiểu biết về luật để nhận định vấn đề.
Trước đó, tôi được biết một số chuyên gia tâm lý và lãnh đạo cơ quan chức năng là Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cũng đã lên tiếng trên báo chí, những khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực biểu diễn nhưng vẫn không đủ mạnh và mang tính răn đe, không có những giải pháp thiết thực nhằm hài hòa giữa yếu tố giải trí, tìm kiếm tài năng và yếu tố giáo dục, định hướng thẩm mỹ.
Im lặng đồng lõa với tội ác
* Trăn trở trước những vấn đề nêu trên nên bà đã đi tìm "câu trả lời" trong nghị trường?
- Để lập luận chặt chẽ hơn trong phần tranh luận tại nghị trường, tôi đã đơn cử vụ việc của một cá nhân từng là nghệ sĩ phạm tội ấu dâm tại Mỹ nhưng sau khi về nước vẫn vô tư chiêu sinh mở lớp dạy nghệ thuật cho trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ở một số nước văn minh với hệ thống pháp luật cứng rắn, chắc chắn người đã phạm tội ấu dâm sẽ không được cấp phép hành nghề có liên quan đến trẻ như vậy, bởi tội danh này sau khi chịu hình phạt của pháp luật thì sẽ còn chịu áp dụng các biện pháp tư pháp khác nhằm tạo khoảng cách an toàn giữa đối tượng và môi trường của trẻ.
Từ sau tranh luận của tôi, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp cụ thể, dù Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã khẳng định trước diễn đàn Quốc hội đây là vấn đề nóng, mang tính cấp bách. Và con người nhân danh nghệ sĩ ấy đến hôm nay vẫn ngang nhiên cho mình cái quyền được mở lớp đào tạo. Hạn chế, vướng mắc ở đâu thì cũng phải cần tập trung làm rõ để tháo gỡ mà quản lý hiệu quả.
* Có người dẫn lại câu: "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", mong dư luận mở lòng vị tha đối với Minh Béo. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Minh Béo không những không "chạy lại" mà còn "ngựa quen đường cũ". Còn bà?
- Tôi hay bất kỳ ai quan tâm đến trẻ em, có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có quyền nghi ngại và lường trước những vấn đề, hành vi gây mất an toàn, thiếu lành mạnh đối với trẻ. Người đủ hiểu biết ai cũng nhận thấy rằng những hành động của cá nhân con người này sau khi về nước chưa thể hiện đúng đắn về mặt nhận thức những hành vi của mình đã gây ra đối với trẻ em, với lòng tin của khán giả và ảnh hưởng tiêu cực như thế nào với môi trường giáo dục văn hóa lành mạnh trong nước.
Đó không phải là sự hối cải, là hành động tích cực để sửa đổi sai lầm, lợi dụng kẻ hở của pháp luật mà bất chấp phản ứng của dư luận, bất chấp sự thật... Như thế, chúng ta có thể nhận định về tính chuyên nghiệp và hơn nữa là đạo đức nghề nghiệp của con người nhân danh nghệ sĩ này. Đó là điều khó có thể chấp nhận đối với một người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Một người như thế liệu có đủ tư cách để làm thầy hoặc thực hiện chức năng đào tạo?
* Và một người từng có tội (hoặc có bệnh "ấu dâm") như thế, bà sợ sẽ tiếp tục tái diễn, đe dọa đến trẻ em?
- Cho đến nay, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tội dâm ô trẻ em vẫn chưa được quy định cụ thể trong Luật Hình sự hiện hành. Đồng thời, hành vi dâm ô trẻ em là hành vi được xác định phần lớn do bệnh lý gây ra, có xu hướng nhu cầu tình dục lệch lạc, hiện y học vẫn chưa có thuốc chữa trị dứt điểm.
Thực tế cũng cho thấy rằng, những tội phạm này sau khi hòa nhập cộng động vẫn tái diễn hành vi phạm tội. Đó là lý do vì sao một số nước có những biện pháp tư pháp kèm theo đối với tội phạm này.
Khi chúng ta lường thấy những nguy hiểm, bất an xung quanh con trẻ đang diễn ra mỗi ngày, trong môi trường có quá nhiều cạm bẫy mà không phải người lớn nào cũng có thể theo giám sát con em mình suốt 24 tiếng/ngày, thì không thể không lên tiếng. Nếu im lặng và lấy lý do luật pháp không ngăn cấm thì có thể một ngày nào đó, sự im lặng này đồng lõa với tội ác.
Hãy sớm giám sát các Game Show cho trẻ em
* Bà có ý kiến gì trong việc thực hiện quyền giám sát của mình nhằm bảo vệ trẻ không bị xâm hại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn liên quan đến trẻ?
- Căn cứ vào quyền trẻ em phải được thực thi nghiêm túc trong xây dựng chính sách pháp luật đã được quy định trong Luật Trẻ em, thì việc có thêm những điều khoản cứng rắn nhằm ngăn ngừa và bảo vệ quyền trẻ em bị xâm phạm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn không có gì là quá khó, cần làm ngay và phải thật quyết liệt.
Không hẹn mà gặp, hai trong số những cuốn sách gần nhất về việc chống xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam đều có xu hướng đề cập nhiều tới vai trò của người cha.
* Nếu được bấm nút để nói trước Quốc hội một lần nữa về vấn đề này, bà sẽ nói gì?
- Tôi rất mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và thấu đáo. Cần phải có một chế tài mạnh mẽ để ngăn ngừa, răn đe, giáo dục sự xuống cấp một cách trầm trọng của một bộ phận tự gắn mác nghệ sĩ làm ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh, mà trong đó, trẻ em là đối tượng có quyền được thụ hưởng, được tham gia và phát triển.
Tôi cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL cần có chỉ đạo cụ thể các cơ quan tham mưu trong công tác rà soát và cấp phép đối với các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật. Không phải ai, cá nhân nào hay một sân khấu đơn thuần là biểu diễn phục vụ khán giả cũng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chiêu sinh, mở lớp đào tạo tài năng nghệ thuật...
Đồng thời, việc quản lý chương trình biểu diễn nghệ thuật và game show có đối tượng tham gia là trẻ em (được Luật quy định là đối tượng yếu thế) cần phải được thực hiện theo một quy trình hết sức đặc biệt, với sự tham gia giám sát của các cơ quan, hội đoàn thể có chức năng bảo vệ quyền trẻ em.
* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện.
Một cá nhân hay tổ chức đã từng có tội danh liên quan đến trẻ em, có thể tiếp tục gây bất an cho trẻ em, thậm chí là gây nguy hiểm đối với trẻ thì không lý gì cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này lại ngó lơ một cách dễ dàng như vậy. Đó khác nào là hành động thỏa hiệp? (Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền) |
( Kỳ 5 & hết: Để việc chống xâm hại không dừng ở…một phong trào)
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa