(Thethaovanhoa.vn) - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết trả lời của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận đã giải đáp được phần nào thắc mắc, băn khoăn của cử tri và đại biểu Quốc hội. Ông hy vọng trong thời gian tới, những cải cách đó có thể đưa lại hiệu quả giống như Bộ trưởng nói và sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Bên lề kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng thay đổi của giáo dục quá nhiều, những cải cách ảnh hưởng rất lớn, có khi người nhà chỉ học trước đó vài năm nhưng cũng không thể chỉ dẫn cho con cháu của mình được. Đây là lĩnh vực có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan tới mọi gia đình, do đó, Bộ trưởng cần trả lời rõ và cụ thể về lợi ích của việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, kể cả lợi ích của việc tổ chức thi cử kiểu mới như hiện nay, lợi ích thế nào, hạn chế ra sao để người dân yên tâm. Hiện nay còn rất nhiều phụ huynh chưa thực sự yên tâm vì chưa được hiểu rõ.
Thay đổi nhiều khi rất cần nhưng phải đánh giá cho được thay đổi đó hiệu quả ra sao, hạn chế cái gì, cái lợi nhiều hơn cái hại - bà Khá nhắn gửi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Theo đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Giáo dục đã có những bước tiến bộ đáng kể từ khi được xác định là quốc sách hàng đầu. Tại phiên chất vấn, trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho thấy Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tích cực triển khai đề án đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới cách thi cử, đánh giá, kiểm tra. Năm 2015, Bộ thực hiện đổi mới cách thi cử, đây là điều đang được cử tri quan tâm. Đại biểu mong muốn sau kỳ thi năm nay, cần rút kinh nghiệm đánh giá cho những kỳ thi năm sau. Đổi mới phương pháp thi cần phải thận trọng nhưng vẫn đạt được yêu cầu, người giỏi phải được vào đại học, đáng đỗ phải được đỗ.
Cho rằng những ý kiến trình bày của Bộ trưởng đã rõ, đạt yêu cầu của cử tri, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng trong đổi mới giáo dục đại học, việc Bộ đang tiếp tục mở rộng thêm số lượng đối tượng là các trường được trao quyền tự chủ cao nhất, đặc biệt là về tài chính, là vấn đề đang được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri mong muốn Bộ trưởng nói rõ, hơn sâu hơn những vấn đề mà họ quan tâm đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đi liền với đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên, cán bộ quản lý, công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Chung quan điểm của đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết trả lời của Bộ trưởng đã giải đáp được phần nào thắc mắc, băn khoăn của nhân dân, cử tri và đại biểu Quốc hội. Cách trả lời của Bộ trưởng rất thỏa đáng, đặc biệt là những lý giải của Bộ trưởng đã tạo sự yên tâm cho người dân. Tuy nhiên, thực tế kết quả còn phải chờ đợi vì chúng ta đã nhiều lần cải cách giáo dục, việc thay sách giáo khoa xảy ra thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao. Đây là lĩnh vực rất phức tạp đòi hỏi tập trung trí tuệ cao và sự đồng thuận của nhân và chờ vào sự kiểm nghiệm của thực tế.
Hiện tại cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng vì chất lượng đào tạo, chất lượng thay sách, đặc biệt là việc thực hiện một chương trình nhưng bộ nhiều bộ sách khác nhau, ai là người quản lý, kiểm duyệt và nghiệm thu. Cách tổ chức thi mới theo Bộ trưởng là rất hay, khoa học, nhưng người dân vẫn băn khoăn vì đây điểm mới và là điểm mới thì việc chuyển đổi từ nhận thức đến thực tiễn phải có quá trình, dù cho Bộ trưởng có thuyết trình, lý giải đến bao nhiêu – đại biểu Phương bày tỏ. Theo đại biểu, chuyển từ cách thi này sang cách thi khác là cả một quá trình chuyển đổi nhận thức, thực tiễn chưa đưa lại kết quả, chưa kiểm nghiệm được. Ông hy vọng trong thời gian tới, những cải cách đó có thể đưa lại hiệu quả giống như Bộ trưởng nói và sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Chu Thanh Vân (TTXVN)