Thăm dò ý kiến
Quan điểm của bạn về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền
(Thethaovanhoa.vn) - “Ở góc độ khoa học, cách đặt vấn đề như vậy là bình thường. Tuy nhiên, ngôn ngữ không chỉ là khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng” – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét.
Trước đó, ý tưởng cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đang được dư luận chú ý đặc biệt và gây ra những phản ứng trái chiều.
“Tôi cũng được biết tới đề xuất này qua báo giới. Thật ra, ở góc độ khoa học, đề xuất này là hoàn toàn bình thường” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói – “Thậm chí, xét về mục đích, nó có thể mang lại những yếu tố tích cực nhất định trong việc hoàn thiện các quy tắc ngữ âm tiếng Việt.”.
“Tuy nhiên, ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện” – ông nói thêm.
Do vậy, thẳng thắn, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là không khả thi: “Nếu được áp dụng, việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội”.
Theo lời Đại biểu Quốc hội này, trong quá khứ, vấn đề cải cách, thay đổi kí tự khi viết cũng đã bước đầu được thử nghiệm một số lần nhưng đều không thành công.
“Tôi có thể ví dụ về trường hợp Hồ Chủ tịch, với tác phẩm Đường kách mệnh. Thật ra, ở thời điểm ấy, các quy tắc viết Tiếng Việt còn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Là người sống nhiều năm ở Phương Tây, Bác Hồ sử dụng kí tự “k” (kách) theo hệ thống phiên âm quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là sau này cách viết như vậy cũng không được sử dụng tiếp.”
Cho rằng việc cải tiến chữ viết là chưa cần thiết, tuy nhiên ông Dương Trung Quốc cũng tỏ ra không tán thành với việc dư luận đang “ném đá” PGS.TS Bùi Hiển.
“Đây chỉ là một ý tưởng. Và trong khoa học, những ý tưởng, đề xuất mới luôn rất cần thiết” – ông nói. “Vậy nhưng, từ một ý tưởng, dư luận lại thổi phồng câu chuyện lên quá mức, thậm chí là có những phản ứng hơi thái quá.”
Dù rằng chữ Quốc ngữ có một số hạn chế cần khắc phục, nhưng “cải tiến” là chuyện không dễ, nhất là khi không thể áp đặt và phải thuyết phục được số đông người sử dụng.
Cúc Đường