(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/9, ngày thứ 7 phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank được tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Truy trách nhiệm trong việc giải ngân số tiền 500 tỷ đồng
Trong số các bị cáo, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Văn Hoàn bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc hai tội danh: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” trong hành vi liên quan đến Công ty BSC và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng (trước đây là Ngân hàng Đại Tín).
Trả lời luật sư về bản cam kết 3 bên (OceanBank-Đại Tín-Công ty Trung Dung) về phong tỏa tài khoản 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn cho biết theo biên bản cam kết ba bên, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản này chỉ được thực hiện khi có công văn của OceanBank. Trong khi OceanBank không có bất kỳ công văn nào yêu cầu giải tỏa việc phong tỏa tài khoản nói trên, thì ngày 10/12/2012, số tiền 500 tỷ đồng nói trên đã được tiến hành giải ngân. Bị cáo Hoàn cho rằng chỉ có ngân hàng Đại Tín giải tỏa số tiền trên và phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Liên quan số tiền chi 246 tỷ đồng cho Nguyễn Xuân Sơn, khoản 49 tỷ đồng bị quy kết về tội “Tham ô tài sản,” khoản 197 tỷ đồng bị quy kết về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Trong hành vi tham ô tài sản, ngoài Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm cũng bị quy kết về cùng tội danh này với vai trò đồng phạm. Về cáo buộc này, bị cáo Sơn cho rằng bị cáo không thể tham ô của OceanBank vì không có quyền hạn trách nhiệm.
Khai trước Tòa, bị cáo Thắm cho rằng số tiền 246 tỷ đồng là để chi chăm sóc khách hàng, chứ không phải tham ô. Theo Hà Văn Thắm, số tiền này đã được Nguyễn Xuân Sơn chuyển cho các đối tác. Khoản tiền này được dùng để trích lập các quỹ dự phòng, các chi phí khác, thuế… sau đó còn lại mới chia cổ tức. Vì thế, nếu cho rằng Sơn chiếm đoạt và tham ô thì PVN sẽ bị giảm số cổ tức được hưởng.
Thêm vào đó, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng Nguyễn Xuân Sơn khó có thể thực hiện hành vi tham ô được vì Thắm có đủ biện pháp để kiểm soát Sơn trong việc chi số tiền 246 tỷ đồng. Thắm theo dõi công việc của Sơn qua các báo cáo hàng ngày…
Ngày 1/9, ngày thứ 4 của phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank, Hội đồng xét xử tiếp tục với phần thẩm vấn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về việc nhận tiền chăm sóc khách hàng và trách nhiệm liên đới trong việc OceanBank hoạt động tín dụng trái pháp luật.
Biết vi phạm, nhưng vẫn làm để “cứu” ngân hàng
Trả lời thẩm vấn của luật sư về tiền chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm cho rằng tiền chi chăm sóc khách hàng là tiền hoạt động kinh doanh, OceanBank không thiệt hại, bị cáo là cổ đông lớn nhất của ngân hàng cũng không thiệt hại.
Thắm nhận thức Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là để ổn định thị trường và chống lạm phát trong thời điểm nhất định. Bây giờ Thông tư 02 cũng đã được hủy bỏ.
Thắm khai: Thời điểm đó, chính Thắm là người chủ trương cấm thực hiện việc chi lãi ngoài. Tuy nhiên, ngay sau đó, khách hàng ồ ạt rút hết tiền khỏi OceanBank để chuyển sang gửi tại ngân hàng khác. Để “cứu” OceanBank, Thắm buộc phải quyết định thực hiện chi ngoài lãi suất, nhằm thu hút khách hàng quay lại gửi tiền tại OceanBank.
Tại thời điểm chi lãi ngoài, mặc dù biết là đã vi phạm Thông tư 02, nhưng Thắm không nghĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Thông tư 02 quy định vi phạm chi lãi ngoài chỉ bị xử lý hành chính và cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng 3 năm. Vì vậy, Thắm vẫn quyết định thực hiện chi lãi ngoài và chấp nhận bị cách chức 3 năm.
Trong vụ án này, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank Lê Thị Thu Thủy bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Cụ thể, bị cáo Thủy là người thực hành tích cực chủ trương của Hà Văn Thắm trong chi lãi ngoài. Thủy chịu trách nhiệm liên đới trong số tiền mà OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng.
Về hành vi này của bị cáo Thủy, Hà Văn Thắm đã nói đỡ cho nhân viên. Thắm cho biết, lĩnh vực quản lý của Thủy là kế toán không liên quan đến kinh doanh; nhiệm vụ của họ chỉ phản ánh những con số liên quan đến thu-chi. Bản thân bị cáo Thủy cũng phản ứng rất mạnh với Thắm về việc chi lãi ngoài cho khách hàng. Trên cơ sở đó, bị cáo Thắm không đồng ý với nội dung cáo buộc Thủy là giúp sức tích cực cho mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh cho Thủy và những nhân viên kế toán khác của OceanBank.
Hoàng Thị Hồng Tứ được biết đến như “bóng hồng” từng trợ giúp đắc lực cho bị cáo Hà Văn Thắm trong vụ "đại án tham nhũng" ở Oceanbank. Cô còn tham gia các hoạt động nghệ thuật với nghệ danh Quỳnh Tứ.
Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC) liên quan đến hoạt động tại Công ty BSC, Hà Văn Thắm cho biết, không bao giờ trao đổi bàn bạc chủ trương thành lập công ty BSC nhằm thu lãi chênh lệch của khách hàng. Giải thích về một bản khai trong quá trình điều tra bổ sung Thắm có nói đến việc bàn “chủ trương” với Nguyễn Văn Hoàn và Phạm Hoàng Giang tại Công ty BSC, Thắm cho biết đây là bàn về chủ trương thu phí đúng với lĩnh vực kinh doanh.
Ngày mai (7/9), các luật sư tiếp tục tham gia thẩm vấn các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN/VIETNAM+)