(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/4, theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, thành phố vừa vinh dự được Tổ chức Chiến lược Eden (Eden Strategy Institute) bình chọn là “thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo”.
Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Người ta vẫn ngợi ca thành phố biển miền Trung như thế. Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu tuyệt đẹp, những bãi biển sạch và những người con người chân thành, hiếu khách.
Tổ chức Chiến lược Eden (Singapore) vừa công bố ấn phẩm Top 50 chính quyền thành phố thông minh hàng đầu năm 2020/2021. Trong danh sách này, Đà Nẵng là thành phố duy nhất ở Việt Nam được vinh hạnh xứng tên.
Cụ thể, Đà Nẵng được xếp hạng là một trong 30 thành phố “sáng kiến thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo”, một trong 5 thành phố thông minh tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Tổ chức Eden công bố xếp hạng chính quyền thành phố thông minh, dựa trên nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá sâu rộng về 235 thành phố trên toàn cầu. Đà Nẵng là thành phố đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong ấn phẩm này.
Nghiên cứu của Tổ chức Chiến lược Eden tập trung đặc biệt vào vai trò của chính quyền thành phố như động lực chính cho sự phát triển thành phố thông minh dựa trên các chỉ tiêu đánh giá gồm: Tầm nhìn, lãnh đạo, ngân sách, chính sách thu hút đầu tư, chương trình hỗ trợ, nhân lực, người dân làm trung tâm, chính sách thông minh và tính hiệu quả.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã đặt các thành phố thông minh vào thử thách khó khăn nhất. Do đó năm 2020, công tác nghiên cứu, xếp hạng đã bổ sung thêm tiêu chí liên quan đến việc quản lý đại dịch COVID-19 của từng thành phố qua đánh giá khả năng phục hồi, khả năng thích ứng, tầm nhìn, tính chủ động hỗ trợ người dân bên cạnh thách thức khác như biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị...
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài Đà Nẵng còn có các thành phố: Banyuwangi, Semarang (Indonesia), Penang (Malaysia) và Khon Kaen (Thái Lan) được tôn vinh. Trong danh sách các thành phố thông minh mới nổi có những thành phố lớn như: Munich (Đức), Geneva (Thụy Sỹ), Manchester (Anh), Orlando, Pittsburgh (Mỹ)…
Tổ chức Chiến lược Eden cũng công bố danh sách xếp hạng 50 Chính quyền Thành phố thông minh trên tổng số 235 thành phố toàn cầu. Theo đó, 5 thành phố đầu bảng là Singapore (Singapore), Seoul (Hàn Quốc), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Helsinki (Phần Lan).
Các thành phố được cho điểm theo thang điểm từ 1 đến 4 (thể hiện từ mức độ thấp đến cao) đối với mỗi tiêu chí. Năm 2020/2021 là lần thứ hai Viện Chiến lược Eden công bố xếp hạng Chính quyền Thành phố thông minh toàn cầu.
Tổ chức Chiến lược Eden là tổ chức tư vấn chiến lược chuyên về đổi mới hệ thống kinh doanh. Eden tiếp cận những vấn đề toàn cầu về đô thị hóa, bệnh tật, nghèo đói, mù chữ và bóc lột bằng cách xây dựng chiến lược, mô hình, quy trình, sản phẩm giúp khách hàng tạo ra, hiện thực hóa và duy trì tác động kinh tế của họ. Eden lập kế hoạch và thiết lập bản thiết kế ngành, tạo điều kiện cho các hội thảo sáng tạo, dự báo và đánh giá tác động của can thiệp chính sách.
Eden đã hỗ trợ các Chính phủ và tập đoàn đưa sáng tạo của thành phố thông minh ra thị trường thành công bằng cách sử dụng nghiên cứu định tính và định lượng, kỹ thuật, lập kế hoạch kinh doanh, quan hệ đối tác, đánh giá tác động. Các lĩnh vực nghiên cứu của Eden gồm: Thành phố thông minh, đổi mới giáo dục, chăm sóc sức khỏe, doanh nghiệp xã hội và tầng lớp trung lưu mới nổi.
Trước đó, Đà Nẵng từng nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chủ trì. Đây được xem là danh hiệu danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các đô thị, thành phố trong khuôn khổ giải thưởng năm nay. Đồng thời, Đà Nẵng cũng được trao 3/4 giải thưởng dành cho các thành phố thông minh gồm: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh” và “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Để có được thành quả này, Đà Nẵng đã trải qua chặng đường một thập kỷ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Theo đó, năm 2010, UBND thành phố ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử Đà Nẵng. Bốn năm sau, Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn được ban hành, trở thành cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp với các doanh nghiệp CNTT triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.
Đến năm 2018, kế thừa kết quả đạt được trong giai đoạn trước đó, kết hợp với nghiên cứu, tham khảo các mô hình, tiêu chuẩn thành phố thông minh trên thế giới và thực tiễn, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, UBND thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, tập trung vào 16 lĩnh vực chuyên ngành thuộc 6 trụ cột, gồm: quản trị, kinh tế, môi trường, đời sống, giao thông và công dân.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh nhận định, ứng dụng CNTT - truyền thông của Đà Nẵng tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và trở thành “công cụ lõi” trong các hoạt động quản lý Nhà nước và cải cách hành chính. Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các ứng dụng thông minh của thành phố được xây dựng, đưa vào vận hành hiệu quả, góp phần hỗ trợ việc ra quyết định, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, phục vụ an sinh xã hội, tiến đến một thành phố thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.
Quốc Dũng