(Thethaovanhoa.vn) - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, những ngày qua, sau khi thành phố Đà Nẵng có quyết định cho phép người giao hàng (shipper) hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu, đã có hiện tượng giả mạo shipper để lừa tiền trên mạng.
Dù không mới, chiêu lừa nhắm vào các lái xe ôm giao hàng công nghệ (shipper) vẫn tiếp tục được những kẻ bất lương sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người lao động vất vả. Chạy xe máy vài chục cây số dưới nắng nóng gay gắt, nhưng thứ mà shipper nhận được là tiếng tút dài "bỏ bom" và thông báo mất trắng khoản tiền vài triệu đồng ứng trước để lấy hàng.
Sở Công Thương đã có văn bản số 2072/SCT-QLCN ngày 25/8 gửi UBND các quận, huyện để cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua việc mua, bán hàng online bằng số điện thoại không rõ nguồn gốc.
Theo đó, Sở Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền cho người dân nắm rõ, chỉ đặt mua hàng online trực tiếp với các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua ứng dụng shipper công nghệ.
Người dân tuyệt đối không mua bán hàng hóa qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Đồng thời, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn quản lý chặt chẽ và yêu cầu nhân viên giao hàng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài shipper là nhân viên của các siêu thị, cửa hàng thì bắt đầu từ hôm nay 26/8, shipper công nghệ cũng sẽ được phép hoạt động giao hàng trên địa bàn thành phố. Khoảng 1.000 shipper công nghệ đã được lập danh sách để ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19, tuân thủ 5K, giữ khoảng cách... theo đúng quy định. Đây là một trong những giải pháp để đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu trong 10 ngày tiếp tục thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, ngày 25/8, lực lượng chức năng đã phát hiện và đang điều tra 2 trường hợp giả làm người giao hàng (shipper) để lừa tiền của khách; trong đó, xác định được 1 đối tượng đang ở tỉnh Ninh Bình. Công an thành phố Đà Nẵng đã liên hệ với Công an tỉnh Ninh Bình để tiếp tục làm rõ.
Giả mạo shipper là một trong những thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội, Công an thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các vụ việc lừa đảo tương tự. Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân chỉ đặt hàng qua các đơn vị cung ứng, chứ không đặt hàng và chuyển tiền trực tiếp cho shipper, nhất là những người tự nhận là shipper trên trang mạng xã hội.
Trước đó, trong các ngày 23, 24, 25/8, lợi dụng một số người dân có nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu trong thời gian “ai ở đâu ở yên đấy”, các đối tượng lừa đảo đã đăng thông tin nhận mua hộ hàng hóa lên một số trang mạng xã hội có đông người theo dõi tại Đà Nẵng. Nhưng sau khi nhận tiền chuyển vào tài khoản thì các shipper giả mạo này đã tắt máy, không giao hàng, không liên lạc được.
Quốc Dũng/TTXVN