(Thethaovanhoa.vn) - Theo quan niệm xưa, giây phút giao thừa là lúc "bàn giao công việc" giữa các vị Hành khiển, phán quan cai quản năm cũ và năm mới. Lúc đó, ngang trời quân đi, quân về, tấp nập, vội vã. Lễ cúng giao thừa được cử hành vào giây phút ấy, vượt lên tính chất mê tín dị đoan, đã mang theo bao nhiêu ước nguyện tốt đẹp.
Lễ cúng giao thừa chính là lễ cúng các vị Hành khiển, phán quan. 12 vị Hành binh, Hành khiển chính là hình tượng cả sao Mộc (sao Thái Tuế), 12 năm quanh hết một vòng mặt trời, được thần linh hoá thành 12 vị thần hành khiển (quan văn), hành binh (quan võ) gọi là thập nhị Đại vương hành khiển.
Người xưa tin rằng đó là những người thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp.
Các vị thần trong quan niệm của người xưa
* Lễ cúng giữa hối hả chuyển giao năm cũ - mới
Các vị đại vương này còn gọi là đương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm cai trị thế gian trong cả năm, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế. Thượng đế, căn cứ vào bản công tội đó để chỉ thị cho người mới xuống cai trị biết để định công, tội.
Bên cạnh mười hai vị hành khiển là mười hai phán quan. Đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hoàng còn phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã.
Trong các vị hành khiển, có vị nhân từ, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nếu năm đó gặp vị hành khiển nhân từ, cương trực, đức độ thì nhân dân no đủ, khang thái, ít thiên tai, dịch bệnh.
Ngược lại, năm nào đói kém nhiều, bệnh tật, tai ách, loạn lạc triền miên người ta tin rằng đó là hoạ do vị hành khiển năm đó giận dữ giáng xuống.
Tất nhiên, đó là quan niệm của ngươi xưa, mang màu sắc tâm linh. Ở một số thời kỳ, một số nơi, quan niệm này bị đẩy đi quá thành ra mê tín. Chẳng hạn, ngày xưa khi có chiến tranh hoặc dịch bệnh gây tai họa khủng khiếp, khiến con người hoảng sợ, nên bày ra tục cúng cầu xin các vị thần Hành Binh, Hành Khiến và Phán Quan tha thứ. Những tục cúng này xa rời tính chất nguyên bản của Lễ cúng giao thừa.
Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới. Khoảnh khắc giao thừa cũng chính là lúc “bàn giao” giữa quan Hành khiển mới và quan Hành khiển cũ.
Người xưa hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được) thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà…
Các cụ hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã...
Như vậy, cúng giao thừa, tiễn đưa năm cũ, đón năm mới thể hiện một cách ứng xử đầy nhân văn của người xưa, đồng thời cũng để bày tỏ ước mong về một năm mới nhiều điều tốt lành. Trời – đất thuận hòa.
* Lòng thành là trên hết
Một số người còn cẩn thận dặn rằng, ngoài việc đứng trước bàn thờ (ngoài sân) khấn nguyện theo nội dung trên, chủ nhà sau khi cúng nên hóa bản văn khấn ngay rồi tưới một ít rượu cúng lên để gửi đến Ngài Đương niên hành khiển. Vì khi ấy trên trời đang nhộn nhịp gấp gáp diễn ra các cuộc bàn giao, nên có thể các Ngài không kịp nghe lời tâu bày thỉnh nguyện, nếu chủ nhà hóa văn bản này tức là đã kịp gửi văn bản thì sau Tết, rảnh rang, các ngài sẽ xem xét!
Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "ruột gan" của gia chủ.
"Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như Thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ" (Wikipedia).
Nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm gia chủ hảo tâm mà phủ hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt. Đó là một quan niệm sai lầm.
Bachkhoatrithuc.vn nhận xét: Đã nói về thần, tưởng không thể bỏ qua các vị thần cai quản về thời gian. Theo tục ta tin rằng, mỗi khoảng thời gian lại do một vị thần cai quản. Tính theo năm thì có mười hai vị thần gọi là thập nhị hành khiển vương hiệu. Các vị thần linh vốn tự ngàn xưa, từ trước khi có tôn giáo tại Việt Nam đã được dân Việt Nam ta tôn thờ Có thể bảo là một điều mê tín, nhưng tục thờ thần của ta xét qua những điều mê tín không phải không có những điều hay.
12 vị Hành khiển, Phán quan
Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan. Năm Dần: Nguy Vương Hành khiển, Mộc Tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quan.
Năm Mão: TrịnhVương Hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hoả Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan.
Năm Tị: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan. Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Mao hành binh chi thần, Ngọc Tào phán quan. Năm Mùi: Tống Vương Hành khiên, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan. Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc hành binh chi thần, Cự Tào phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan. |
Đ.K (tổng hợp)