(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 5 năm, Hà Nội phải dừng dự án lát đá vỉa hè hồ Gươm, do phản ứng của người dân. Nhưng mới đây UBND Quận Hoàn Kiếm lại đề xuất lát đá tự nhiên 10 tuyến phố cổ Hà Nội, nhằm đồng bộ hạ tầng và phát triển thương mại du lịch Thủ đô.
Theo đề xuất, những tuyến phố được lát đá mặt đường nằm trong khu bảo tồn cấp một, gồm: Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm); Hàng Đào; Hàng Ngang; Hàng Đường; Đồng Xuân; Hàng Giấy; Hàng Buồm; Mã Mây; Lương Ngọc Quyến; Hàng Giầy; Đào Duy Từ.
Dự kiến, từ 2015 đến 2016, các tuyến phố này sẽ được đổ bê tông nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên (có kích thước 10x10x10cm), nguồn vốn thực hiện từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, xung quanh đề xuất trên, đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Từ phố Tạ Hiện - điển hình đầu tiên
Phố Tạ Hiện - nơi đã tiên phong lát đá tự nhiên cách đây 4 năm, mặt đá còn khá mới và sạch sẽ, nhưng đến đây mới thấy cảnh xe cộ để đầy dưới lòng đường. Người dân ở đây cho biết, nếu trời mưa, mặt đường trơn dễ trượt ngã.
Phố Tạ Hiện được lát đá xanh “điển hình” cho phố cổ Hà Nội
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long - Trưởng BQL phố cổ Hà Nội - khẳng định: Dự án được cải tạo phố Tạ Hiện với việc bảo tồn kiến trúc mặt đứng các công trình trên mặt phố, cải tạo hệ thống thoát nước, mặt đường được lát lại bằng đá tự nhiên được đưa vào sử dụng từ ngày 11/11/2011 đến nay đã tạo ra một “khu phố điển hình”, nơi đây tập trung đông nhất các nhà hàng và thu hút du khách đến với khu phố cổ Hà Nội”.
Ông Long nhấn mạnh, với mục tiêu phát triển thương mai, du lịch, dịch vụ, trong khu phố cổ Hà Nội, từ khi nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia (năm 2004) đến nay, quận Hoàn Kiếm đã triển khai các tuyến phố đi bộ và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách vào dịp cuối tuần, nên việc cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị là những nhiệm vụ tiếp tục được tập trung triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, “quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, di chuyển 200 hộ dân, trùng tu 20 di tích, cải tạo trụ sở, trường học, UBND, trạm y tế... và cải tạo hạ tầng kỹ thuật (dự kiến lát vỉa hè đá của 75/79 phố), thải loại, sắp xếp đường dây 100% các phố trong khu phố cổ, đồng thời tiếp tục mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội” - ông Long khẳng định.
PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho rằng: “Nên căn cứ vào hiệu quả đợt thí điểm phố Tạ Hiện để trao đổi trước khi triển khai đại trà, vì dù sao cũng nên có kết luận cụ thể về mặt tích cực cả về thẩm mỹ, tính chất lịch sử của khu di sản và đặc biệt là lắng nghe sự phản hồi cũng như sự hài lòng của người dân đang sống trong khu phố cổ cùng du khách về việc này. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với cộng đồng trong vai trò là chủ nhân đích thực của di sản.”
Không nên “tạo” ra cái khác với di tích
Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh đã đặt ra nhiều câu hỏi: “Việc lát đá lên mặt đường nhựa nhằm mục đích gì? Có đẹp hơn, cổ kính hơn, đi lại có thuận tiện, an toàn hơn không? Hay lại trơn ngã nhiều hơn, xây xước nặng hơn?
Việc duy tu bảo dưỡng có dễ dàng hơn, có rẻ hơn trải bê tông nhựa không? Việc xử lý khi các công trình đường dây, đường ống dưới mặt đường như thế nào? Hay lại đào lên lấp xuống sau đó vá lại bằng vữa xi măng?...
Hơn nữa, đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp: đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng ngoài giờ cấm đường đi bộ, vậy lát đá được tính toán tải trọng cho đi bộ hay cơ giới (chưa kể xe cơ giới chữa điện, cẩu, xe thi công xây dựng, cứu thương, cứu hỏa...) vẫn đi trên những tuyến đường này?)”.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng: “Về mặt lịch sử, đường phố thì Hà Nội chưa bao giờ lát đá cả. Xưa kia là đường đất, vài chỗ lát gạch như đường làng. Khi mới xây dựng đô thị, thì hầu hết là rải đá cấp phối. Việc đổ bê tông nhựa kéo dài hàng chục năm sau đó”.
“Nếu lát đá mặt nhẵn thì bài học lát đá vỉa hè vẫn còn đó. Còn nếu lát đá mặt nhám thì bụi đất tụ lại gây mất vệ sinh vì các tuyến đường này hàng ngày vẫn đủ loại phương tiện lưu thông. Việc lát đã “khập khiễng” về thẩm mỹ giống như một người dưới mặc quần bò, trên lại mặc áo ta” - nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa VN đánh giá: “Đây không phải là câu chuyện nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đường phố bình thường, mà là câu chuyện về khoa học bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Phố cổ Hà Nội đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, đường phố là một thành tố quan trọng của di sản đó.
Vì vậy, sự can thiệp một cách duy ý chí, suy nghĩ phiến diện, một chiều, chỉ thấy cái lợi trước mắt... sẽ làm mất đi giá trị của di tích. Theo tôi, cần phải rất thận trọng trong việc lát đá. Quan điểm của tôi là không nên “tạo” ra cái không có thật của di tích, vừa vô nghĩa vừa tốn kém!”.
Lát gạch Bát Tràng phù hợp hơn
Ông Triệu Văn Hiển, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cho rằng: “Chưa nên lát đá mặt đường các tuyến phố cổ Hà Nội, vì làm như vậy không đồng bộ, gây lãng phí, mất đi sự cổ kính của Hà Nội ngàn năm.
Ở nước ngoài người ta thường lát đá cho các quảng trường hoặc một vài con phố cổ nối liền với quảng trường, nhưng phố đó chỉ dành riêng cho người đi bộ tuyệt cấm các loại xe - kể cả xe đạp.
Nếu sau này những tuyến phố cổ chỉ dành riêng cho người đi bộ, cấm tất cả các loại xe thì khi đó có thể lát gạch Bát Tràng có lẽ phù hợp hơn, gần gũi hơn với người Việt Nam”.
|
An Như
Thể thao & Văn hóa