(Thethaovanhoa.vn) - Theo kế hoạch ban đầu, vào lúc 7 giờ 51 phút 21 giây (giờ Hà Nội), ngày 1/10, tên lửa Epsilon số 5 của Nhật Bản được điểm hỏa và phóng lên quỹ đạo, mang theo vệ tinh NanoDragon (do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo cùng với 8 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Vào lúc 9 giờ 51 phút 21 (7 giờ 51 phút 21 giờ Hà Nội) sáng 1/10, phương tiện phóng Epsilon số 5 (Epsilon-5) sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác của quốc gia Đông Bắc Á này.
Tuy vậy, đến thời gian dự kiến, tên lửa Epsilon số 5 đã không thể điểm hoả để bay lên quỹ đạo.
Theo dõi trực tuyến tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc phóng tên lửa Epsilon số 5 và quá trình thả vệ tinh NanoDragon, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Khoảng một phút trước khi phóng tên lửa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho tạm dừng quy trình để kiểm tra lại hệ thống máy móc. Sau khi kiểm tra, JAXA quyết định tạm dừng việc phóng tên lửa trong ngày 1/10. Nguyên nhân tạm dừng và lịch phóng tên lửa sẽ được phía Nhật Bản thông báo sau.
NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy để sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
Các nhà khoa học Việt Nam đặt kỳ vọng là vệ tinh NanoDragon có thể thực thi tốt nhiệm vụ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, giao tiếp tốt và cung cấp dữ liệu này xuống trạm mặt đất. Từ các dữ liệu này, nếu một mạng lưới nhiều vệ tinh hơn được triển khai trong thời gian tới thì có thể mang lại những ứng dụng thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TTXVN