(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, Hà Nội kết thúc một tháng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22-8 đến 6h ngày 23-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 13 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 8 ca tại cộng đồng và 5 ca được cách ly.
Cũng bắt đầu từ ngày hôm nay, Thủ đô tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 để phòng, chống dịch COVID-19 theo Công điện số 19/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Bài toán dịch tễ và bài toán kinh tế, quản lý xã hội
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, chống lại đại dịch COVID-19 không chỉ đơn thuần là giải bài toán dịch tễ mà còn phải giải cả bài toán kinh tế và quản lý xã hội trong điều kiện rất phức tạp. Phải có cách nhìn hệ thống, xác định đúng mục tiêu rồi đưa ra kịch bản thích hợp.
Xác định mục tiêu của mình như thế nào thì Hà Nội có phương án thực hiện phù hợp cho mục tiêu đó.
Trong Công điện hỏa tốc số 19/CĐ-UBND ký ngày 21/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục (đến ngày 6/9) thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn xóm cách ly với thôn xóm; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Hà Nội cách ly với các tỉnh; kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Quyết định của lãnh đạo thành phố Hà Nội được đại đa số người dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội không cao, đồ thị dịch tễ đi ngang, thậm chí đi xuống, thì việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg là "quá mạnh tay". Cuộc sống bình thường bị ảnh hưởng trong thời gian dài, người buôn bán nhỏ gặp khó khăn, các doanh nghiệp lớn lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất – dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế hậu giãn cách.
Tuy nhiên, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có cơ sở khách quan để đưa ra quyết định bảo vệ thành quả đã đạt được trong một tháng qua.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 18h chiều 21/8 đến 18h chiều 22/8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.214 ca mắc mới, trong đó ở Hà Nội chỉ có 11 trường hợp. Còn theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô ngày 22/8 có 20 ca nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm 4 ca tại cộng đồng, 16 ca tại khu cách ly, phong tỏa. Con số này tạo ra tâm lý tạm yên tâm khi so sánh số bệnh nhân trong ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh (4.193 ca), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709)…
Song, nhìn từ góc độ khác, tình hình thực tế chưa hẳn đã có thể khiến chúng ta "thở phào". Vẫn còn các ca nhiễm mới trong cộng đồng ở Hà Nội, có thể con số được ghi nhận chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn nhiều ca "lẩn khuất trong dân gian".
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho rằng tình hình chưa ổn định hoàn toàn, nếu nới lỏng giãn cách ngay thì có nguy cơ dịch bùng phát trở lại, công sức, tài lực của cả thành phố trong 30 ngày có thể bị "đổ xuống sông, xuống biển".
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, mỗi khi Thủ đô chưa "sạch dịch" và còn áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTG thì vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9 người dân Hà Nội sẽ không tỏa ra các địa phương và người từ các địa phương cũng không kéo về Thủ dô để làm lây lan dịch bệnh. Trong "15 ngày vàng" tới Hà Nội sẽ tập trung vào việc mở rộng xét nghiệm tầm soát dịch, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Các biện pháp phòng, chống dịch có thể sẽ được Hà Nội thay đổi sau ngày 6/9 nếu có những kết quả rõ rệt được ghi nhận.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình với quyết định kéo dài giãn cách xã hội của UBND thành phố Hà Nội. Theo ông, trong quá trình xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho sốt, nhiều ổ dịch trong cộng đồng đã được phát hiện rải rác ở các quận, huyện.
Đáng lưu ý là ổ dịch tại khu HH 4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai), các ổ dịch mới ở quận Đống Đa (phường Văn Chương, phường Văn Miếu), các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất...
Xác định đúng mục tiêu
Để tránh lãng phí "15 ngày vàng" chống dịch tiếp theo ở Hà Nội thì xác định đúng mục tiêu và có phương án thực thi phù hợp là điều hết sức cần thiết.
Một số nhà khoa học lưu ý rằng tỷ lệ tử vong do COVID-19 không cao như ở một số đại dịch khác cũng do virus gây ra (khoảng 2-3% số ca mắc), hơn nữa SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, lây lan nhanh nhưng phần lớn các ca bệnh không có triệu chứng. Điều này rất nguy hiểm vì gây ra tâm lý chủ quan, hoặc nhiều người bệnh không biết mình đã bị nhiễm và vô tình làm lây lan cho nhiều người khác. Sai số trong việc xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh, khá cao, có người qua 3-4 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính thì đến lần xét nghiệm thứ năm mới xác định là đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều này dẫn đến việc bỏ sót nhiều ca bệnh trong cộng đồng, làm cho việc phong tỏa, truy vết không đạt hiệu quả như mong muốn.
SARS-CoV-2 ngày càng có nhiều biến chủng mới mạnh hơn và nguy hiểm hơn, triệu chứng bệnh cũng thay đổi. Điều này cho thấy cách đối phó với với dịch cũng cần được đổi mới, tùy theo tình hình cụ thể. Hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 cũng giảm sút.
Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có mật độ dân số cao, người dân có xu hướng sống co cụm với thói quen, văn hóa truyền thống là thích tụ tập, giao lưu, tạo điều kiện cho virus lây lan. Hạ tầng cơ sở y tế không thể so sánh được với một số nước tiên tiến. Hai điểm trừ này được bù đắp bằng điểm cộng là người dân có ý thức chấp hành các quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch; chấp nhận việc giãn cách kéo dài dù chịu nhiều bất tiện, thiệt hại.
Trong những ngày tới đây, bằng hành động cụ thể, Hà Nội sẽ cho thấy mục tiêu chính của mình là dập dịch bằng mọi giá, tạm thời hy sinh lĩnh vực kinh tế hay thực hiện mục tiêu kép – vừa quyết liệt chống dịch, ưu tiên trước hết cho vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng vẫn duy trì sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Mục tiêu khác nhau thì việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội sau ngày 6/9 sẽ khác nhau.
Xét nghiệm tầm soát COVID-19 trên diện rộng có trọng điểm, với mục đích bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết các ca F1 để thưc hiện cách ly, phong tỏa theo khu vực, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Đây là cách Hà Nội đang áp dụng.
Nhưng cũng có một cách thức khác – xét nghiệm đại trà là để nắm rõ bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng, từ đó có các chính sách, phương án chống dịch phù hợp – điều tiết việc tăng, giảm mức độ giãn cách xã hội, lập thêm bệnh viện dã chiến, tăng số giường bệnh, có các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp và các nhóm đối tượng người dân.
Cuộc sống và các hoạt động của xã hội trong thời gian giãn cách xã hội có nhiều điểm khác biệt lớn so với bối cảnh bình thường. Dịch bệnh không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, văn hóa – thể thao…
Khi dịch bệnh bùng phát thì việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội như hiện nay ở Hà Nội nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Song, về lâu dài việc siết đến mức nào và thời gian bao lâu là hợp lý thì cần có sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng.
Chống dịch COVID-19 là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng chống dịch mà bảo vệ nền kinh tế tránh được khủng hoảng hậu giãn cách và giữ ổn định xã hội thì còn khó hơn nhiều so với việc chống dịch đơn thuần. Về việc đảm bảo sản xuất - kinh doanh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải "đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm: hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, bình ổn giá và thị trường".
Tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/8 giữa Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nêu ra 9 bài học chống dịch COVID-19 mà các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều bài học đề cập các lĩnh vực khác nhau nhưng đều nêu bật sự đồng thuận của toàn dân, toàn xã hội.
Trong đó, bài học thứ nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.
Bài học thứ hai là huy động sức dân, xác định đúng vai trò "mỗi người dân là một chiến sỹ" trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở. Bài học thứ bảy đề cập sự đồng thuận của toàn xã hội thông qua công tác truyền thông.
Sự vào cuộc của toàn xã hội đóng vài trò hết sức quan trọng trong mọi biện pháp phòng, chống dịch. Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".
Nói về thời gian giãn cách xã hội để chống dịch từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá, "đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch" ở Thủ đô từ trước tới nay.
Trần Quang Vinh