Cháy chung cư ở Xa La, Hà Nội: Cần những biện pháp mạnh để tránh thảm họa

Thứ Tư, 14/10/2015, 5:56 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc cháy chung cư tại Xa La (Hà Nội) khiến hàng triệu người sống trong các tòa chung cư tại Việt Nam cảm thấy lo lắng. Song, theo các chuyên gia tâm lý xã hội, kiến trúc, cháy không phải chỉ để dư luận lo lắng rồi “bó tay” chịu trận mà ngọn lửa ở chung cư Xa La soi tỏ nhiều góc khuất của văn hóa sinh sống tại chung cư của người dân cũng như phương pháp quản lý, PCCC tại chung cư.

Và theo các chuyên gia, sự cố cháy chung cư ở Xa La là hồi chuông cảnh tỉnh tới cả những người quản lý cũng như người dân đang sinh sống ở các khu dân cư cùng nhìn lại và khắc phục những vấn đề liên quan đến kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị PCCC.

“Sống trong sợ hãi”

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay: Tuy chưa có điều tra xã hội học quy mô lớn nào song các cuộc “điều tra bỏ túi” của những người quan tâm đã phản ảnh rõ tâm lý bất an của những người sống trong các tòa chung cư sau những sự cố.

Cảnh sát chữa cháy cứu cháu bé khỏi nơi xảy ra cháy tại tòa nhà CT4A, Khu đô thị Xa La, Hà Đông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo PGS- TS Trịnh Hòa Bình, bản thân người Việt cũng chưa thực “sẵn sàng” khi chuyển đổi phương thức sinh sống từ những ngôi nhà nhỏ, kiên cố dưới đất tới chung cư cao tầng. Bởi, khi chuyển sang sống ở những tòa nhà chung cư tiện ích cao, người dân cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề phòng chống cháy nổ cũng như kỹ năng khi sự cố xảy ra.

Cùng quan điểm với PGS-TS Trịnh Hòa Bình, KTS Hoàng Thúc Hào cho hay: Qua quá trình làm việc, tôi có tiếp xúc với nhiều người dân sinh sống tại các chung cư cao tầng. Tâm lý chung của người dân là rất lo lắng sau những sự cố xảy ra. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép nên họ không có lựa chọn khác.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia kiến trúc, một trong những nguyên nhân khiến người dân cảm thấy ái ngại khi ở chung cư là nhiều khu nhà chung cư (đặc biệt là chung cư thu nhập thấp) ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ngay trong vật liệu thiết kế.  Đơn cử, theo tiêu chuẩn quốc tế, cửa trong các tòa nhà cao tầng phải là những loại cửa có độ trễ nhiệt cao. Bằng không, khi xảy ra sự cố cháy nổ, cửa sẽ bị chảy và khóa người dân ở trong. Tuy nhiên, chất liệu cửa của nhiều nhà chung cư Việt không đạt tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, việc trang trí nội thất cũng cần được chú tâm trong việc chọn vật liệu. Ví dụ, hiện tại, trên thị trường có nhiều loại giấy dán tường, tiêu biểu là hai loại giấy dán tường: giấy dán tường Nhật Bản và giấy dán tường Trung Quốc. Giấy dán tường Nhật với giá 850 ngàn đồng/ m2 sẽ lập tức mủn ra khi bắt lửa. Còn giấy dán tường Trung Quốc với giá chỉ mấy chục ngàn khi bắt lửa sẽ cháy lan sang các thiết bị khác trong công trình gây hỏa hoạn lớn.

“Cần tổng kiểm tra PCCC ở các chung cư!”

Câu hỏi đặt ra: với những bất cập ấy, đâu là những giải pháp để giảm khả năng hỏa hoạn tại các nhà cao tầng trong đô thị, qua đó giúp các hộ dân tại đây giảm bớt tâm lý “sống trong sợ hãi”?

“Tôi nghĩ, điều trước tiên nằm ở việc tự chấn chỉnh phương thức ứng xử của người dân khi sống tại các nhà cao tầng” – thạc sĩ KTS Lại Thành Tín nhận xét. Theo KTS này, từ đặc thù trong  cách  vận hành, những chung cư cao tầng luôn đòi hỏi những quy định khắt khe hơn rất nhiều so với nhà phân lô về giữ an toàn trong sinh hoạt.


Hiện trường vụ cháy ở Xa La. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

“Đó không chỉ đơn thuần là việc chịu đọc, chịu tìm hiểu về nguy cơ hỏa hoạn, hoặc cách thoát hiểm khi có cháy” – KTS trẻ này cho biết. “Những tiểu tiết trong cuộc sống hàng ngày như hút thuốc, đốt hương hoặc vàng mã, vứt rác thải có giấy lộn hoặc túi ni lông… cũng cần được chú ý tối đa khi sống tại cao ốc. Thậm chí, tưởng như ít liên quan, nhưng việc tránh tình trạng quá tải về năng lượng cũng là một yêu cầu quan trọng. Bởi rất nhiều vụ chập điện gây hỏa hoạn đều phát sinh từ sự quá tải trong sinh hoạt hàng ngày”.

Còn theo KTS Hoàng Thúc Hào, sau hàng loạt vụ hỏa hoạn vừa qua, việc tổng kiểm tra, rà soát khả năng phòng chữa cháy tại các chung cư nên được tiến hành khẩn trương và nghiêm túc. “Đó không đơn thuần là chuyện kiểm kê hệ thống thiết bị chữa cháy, hay thống kê số cầu thang thoát hiểm trong từng chung cư. Xa hơn, các yếu tố kỹ thuật về chất liệu và khả năng tản nhiệt của hệ thống cửa khi gặp hỏa hoạn, hay độ kín của lối thoát cũng cần tính đến” – ông Hào nói. “Tôi mong, để tránh những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta nên giao cho một cơ quan độc lập thực hiện đợt rà soát này, đồng thời sẵn sàng công bố danh sách những chung cư không an toàn”.

Theo ông Hào, trong trường hợp chưa “đạt chuẩn”, ngành quản lý cần có những biện pháp mạnh để yêu cầu các chủ đầu tư chỉnh sửa, thay thế thiết bị, thậm chí là bổ sung một vài hạng mục cần thiết. Khi đó, bản thân các hộ dân sẽ ý thức được quyền lợi chính đáng của mình và trực tiếp giám sát công tác phòng chữa cháy tại chung cư.

“Về lâu dài, trong điều kiện hiện tại, có lẽ chúng ta nên giới hạn ở độ cao tối đa 10 tầng đối với chung cư cho người thu nhập thấp” – KTS Hoàng Thúc Hào nói. “Tất nhiên, để làm được như vậy, Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù về thuế, tiền sử dụng đất… để trợ giá cho các chủ đầu tư”.

Sơn Tùng- Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

nguyentronglong  (14/10/2015 11:01:21)
nguyentronglong@hopphu,.com
Tổng kiểm tra với rà soát sau khi công trình đã thi công xong thì nói làm gì. Đề nghị phải nghiêm túc ngay từ các khâu thỏa thuận PCCC ban đầu. Kiểm tra giám sát trong quá trình thi công, chưa đảm bảo đình chỉ ngay. Nếu xảy ra vấn đề gì cứ Sở PCCC mà truy trách nhiệm.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến