Châu Âu sẽ bị "tổn thương" nếu không coi việc đối phó với những loại virus gây chết người, như virus Ebola, là một "vấn đề an ninh quốc gia". Nhà khoa học Peter Piot, một trong những người phát hiện ra virus Ebola năm 1976, đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Independent của Anh, công bố ngày 26/12 .
Nhà vi trùng học người Bỉ và hiện là Giám đốc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho rằng đã đến lúc Anh và châu Âu cần có một đội ngũ những người được đào tạo tốt, có kinh nghiệm và có khả năng triển khai trên toàn cầu để đối phó với các loại virus. Ông Piot nhấn mạnh châu Âu chưa có một "cơ quan thông tin dịch bệnh" giống như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh liên bang (CDC) tại Mỹ . Châu Âu không muốn bị phụ thuộc vào thông tin từ Mỹ, và đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm một cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Ebola tại Monrovia, Liberia ngày 19/12. Ảnh: AFP/ TTXVNTheo The Independent, phản ứng trước tuyên bố của nhà khoa học Peter Piot, người phát ngôn Bộ Y tế Anh cho biết việc bùng phát dịch Ebola đã cho thấy sự cần thiết phải tăng cường ứng phó toàn cầu đối với các dịch bệnh và Anh sẽ làm tất cả những gì có thể.
Ông Piot từng chỉ trích gay gắt phản ứng chậm trễ của châu Âu và quốc tế trong đối phó với sự bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, song nói rằng hiện nỗ lực chung đó đang mang lại kết quả và có thể chắc chắn rằng dịch bệnh này sẽ được cách ly .
Theo Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO), hơn 7.500 người đã tử vong vì Ebola trong vòng một năm qua, hầu hết là ở ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.
TTXVN