(Thethaovanhoa.vn) – Người dân kéo nhau đi cập nhật thông tin thuê bao di động, điểm giao dịch đông nghịt người, xếp hàng rồi tranh cãi ầm ĩ khiến cộng đồng mạng đang “dậy sóng” vì cách làm của nhà mạng gây khó khăn cho khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại di động Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Theo Nghị định 49 của Chính phủ, chủ thuê bao di động sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân để hoàn thiện hồ sơ chính chủ trước ngày 24/4. Bởi khách hàng đến các điểm giao dịch đăng ký thông tin quá đông nên ngày 22/4, hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đã phát đi thông báo chính thức về việc dời thời hạn đăng ký.
Theo đó, VinaPhone sẽ nhận khách đăng ký, bổ sung ảnh chân dung đến ngày 15/5, MobiFone thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ sau ngày 24/4 nhưng không nêu rõ thời hạn. Trong khi đó, nhà mạng Viettel phải đến ngày 23/4, một ngày trước thời hạn hoàn thành, mới dán thông báo sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng sau ngày 24/4.
Trên trang cá nhân, nhiều người bày tỏ bức xúc trước cách “hành dân” của các nhà mạng. Facebook Diệp Lục than thở: “Mòn mỏi chờ đợi để chuẩn hóa thông tin Viettel”.
“Toàn người trung niên kéo nhau đi cập nhật thông tin thuê bao di động, điểm giao dịch đông người, xếp hàng rồi cãi vã nhau ầm ĩ cả lên” – facebook Ninh Hải phản ánh.
Khách hàng Quach Du viết status hài hước gửi “Ông chú Viettel”: “Tôi là một khách hàng của ông và tôi đã trả phí cho ông từ ngày còn là sinh viên. Đến hiện tại, gom góp tôi đã đóng vài chục củ cho ông để nhận được một dịch vụ thế này.
Vừa qua, nhận được thông báo ông sẽ đưa "mặt thớt" của tôi cùng một vài thông tin nữa lên hệ thống để quản lý.
Điều đáng nói: Ông là một người cung cấp dịch vụ và tôi bỏ tiền ra để được thừa hưởng dịch vụ ông cung cấp.
Thật không may cho tôi cũng như rất rất nhiều người đã phải tận hưởng dịch vụ bằng cách ngồi chờ hàng giờ và phơi mặt ra nhận những cử chỉ dịch vụ kiểu ban ơn!
Ô...sao vậy! Hãy đến với tôi và nói rằng: Quý khách vui lòng điền thêm những thông tin nếu không muốn bị tò te tí.
Ôi... Băn khoăn quá!”.
Cùng quan điểm với Quach Du, facebook Ly Doi phân tích, việc các nhà mạng thông báo “Từ ngày 24/4/2018 nếu các chủ thuê bao di động không cập nhật thông tin cá nhân, trong đó có ảnh chân dung, sẽ bị khóa số theo Nghị định 49 ban hành giữa năm 2017” là một ví dụ điển hình về kiểu biến độc quyền.
Anh phân tích: “Hãy nhớ lại mà coi, lúc VinaPhone, MobiFone, rồi Viettel ra đời, họ gần như phải dùng vô số chiêu thức quyến dụ, trong đó có khuyến mãi lớn để mong khách hàng gật đầu sử dụng.
Nhiều sim số tiếp thị đến tận cửa, tận nhà bếp và cả trên giường ngủ của khách hàng. Lúc ấy họ có dám đe dọa khóa này khóa nọ hay không?
Ban đầu còn có chính sách khuyến mãi tặng 100%, rồi giảm xuống 50%, rồi bây giờ chỉ còn 20%.
Mọi lời hứa về chính sách tốt đẹp ban đầu của họ như “nước đổ lá môn”. Họ độc quyền ban bố các thể lệ, quy định”.
Đáng lý các nhà mạng này phải đến gặp từng khách hàng - người đang giúp họ giàu lên - mà xin cập nhật thông tin, hình ảnh. Hoặc cung cấp cho khách hàng kỹ thuật dễ dàng để họ có thể tự làm ở nhà, thông qua chính chiếc điện thoại của mình. Ngồi một chỗ ra lệnh và thu tiền là phương cách của cơ chế độc quyền” - theo facebook Ly Doi.
Có thể thấy đa phần khách hàng không phản đối việc nhà mạng yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân, trong đó có ảnh chân dung, tuy nhiên họ cho rằng, cách làm của các nhà mạng gây khó khăn và không tôn trọng người dùng.
Nhiều khách hàng bày tỏ họ “nhất quyết không đến điểm giao dịch đăng ký thông tin để xem khóa số thì ai chịu thiệt”. Một số khách hàng cũng chia sẻ cách để tự chuẩn hoá thông tin mà không cần phải ra cửa hàng giao dịch của Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, từ ngày 25/4, tức là khi Nghị định 49/2017 có hiệu lực, những thuê bao chưa kịp bổ sung theo yêu cầu có bị cắt liên lạc?
Anh Tuấn (tổng hợp)