Các chuyên gia tiếp tục vào cuộc hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng

Thứ Hai, 27/7/2020, 21:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn quốc gia cho hai bệnh nhân COVID-19 nặng là bệnh nhân số 416 và 418.

Ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 mới có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng

Ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 mới có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6h đến 18h ngày 27/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 mới có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam lên 431 trường hợp. 

Tham dự buổi hội chẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Tại điểm cầu Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm; Giáo sư, Tiến sĩ  Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhân viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tích cực xét nghiệm các mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Tại điểm cầu Bệnh viện Đà Nẵng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có các chuyên gia từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Bệnh viện Chợ Rẫy. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng 10 chuyên gia về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn đã có mặt để cùng hỗ trợ chuyên môn và thực hiện công tác chống dịch COVID-19 tại bệnh viện...

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đã nghe Bệnh viện Đà Nẵng báo cáo về 2 trường hợp bệnh nhân 416 và 418. Theo đó, bệnh nhân 416, 57 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do mắc COVID-19. Bệnh nhân đã được đặt ECMO ngày thứ 4; tiếp tục được lọc máu và thở máy hỗ trợ. Hiện các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.

Đối với bệnh nhân số 418, nam, 61 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp nặng do mắc COVID-19, trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân 418 nặng hơn bệnh nhân 416 vì tuổi cao, mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân nhiễm toan nặng; tổn thương thận biểu hiện rõ, bạch cầu tăng, cần xem xét thực hiện ECMO. Các chuyên gia để nghị bệnh nhân cần cân bằng điện giải, kiềm, toan và cẩn trọng trong vấn đề chỉ định...

Đối với bệnh nhân số 416, các chuyên gia cũng đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng làm rõ thông số về huyết động, cấy dịch phế quản xem xét vấn đề nấm, khuẩn tụ cầu và tìm các căn nguyên khác; đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch của bệnh nhân để có những điều chỉnh phù hợp.

Tại buổi hội chẩn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị đề nghị các bệnh viện cần hết sức thận trọng trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh; theo dõi sát sao bệnh nhân, để những chỉ định như can thiệp ECMO không diễn ra muộn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 4 tại chỗ trong phòng, chống dịch COVID-19. Bệnh viện cùng các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng kế hoạch, đề xuất các nội dung trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân. Bệnh viện xem xét phương án chuyển bớt bệnh nhân sang bệnh viện được chỉ định để giãn cách bệnh nhân, giảm áp lực cho cán bộ y tế; bố trí cán bộ y tế âm tính và chưa có yếu tổ nguy cơ ở một địa điểm phù hợp để luân phiên, bảo toàn sức khỏe cán bộ y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân. Nếu có khó khăn phải đề xuất, báo cáo Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt Bệnh viện không để lây nhiễm trong bệnh viện và lây ra cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện thực hiện các tiêu chí về bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp. Bệnh viện không được chủ quan và lơ là trong phòng chống dịch. Nếu bệnh viện nào không thực hiện, lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm.

Hảo Thuỷ - TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến