(Thethaovanhoa.vn) – Chiều ngày 11/10, Quỹ Hòa bình Hàn – Việt đã hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng 52 tư liệu, hiện vật quý liên quan đến phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” tại xã hội Hàn Quốc, đặc biệt trong đó có bức tượng Pieta Việt Nam, thể hiện nghĩa cử xoa dịu nỗi đau mà quân đội Hàn Quốc từng gây ra cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.
Tượng Pieta Việt Nam là tác phẩm được hai điêu khắc gia Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung đồng sáng tác, nhằm an ủi cho linh hồn của những người mẹ đã nằm xuống và những đứa trẻ vô danh mới chào đời chưa kịp đặt tên, đã chết trong những cuộc thảm sát của binh lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam.
Đó là hình ảnh một người phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng, thơ dại. Tên tiếng Việt của bức tượng là Lời ru cuối cùng, trong tiếng Ý, “pieta” có nghĩa là “nỗi buồn”, “niềm bi thương”.
Bức tượng Pieta Việt Nam được hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng Tượng Pieta Việt Nam có tỉ lệ chiều rộng, chiều sâu đều là 70cm, cao 150cm, trọng lượng gần 150kg, được làm bằng chất liệu đồng.
Bức tượng Pieta cỡ nhỏ được hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng dịp này có kích thước 27x27x50 cm, nặng 11kg.
Tiến sĩ Sử học Việt Nam Ku Su - Jeong, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt chia sẻ: “Những hiện vật chúng tôi hiến tặng ngày hôm nay đều là những hiện vật liên quan đến phong trào ‘Thành thật xin lỗi Việt Nam’ tại xã hội Hàn Quốc từ năm 1999. Sau khi người dân Hàn Quốc biết đến những vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam, rất nhiều cá nhân, đoàn thể và nhân dân Hàn Quốc đã nỗ lực để hàn gắn những vết thương ấy.
Chúng tôi sẽ nối tiếp những hoạt động có ý nghĩa đó nhằm xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh của các nạn nhân Việt Nam. Thông qua việc hiến tặng các hiện vật này, chúng tôi muốn gửi đến nhân dân Việt Nam một lời xin lỗi và mong muốn hướng đến một tương lai hòa bình cho nhân dân hai nước”.
Tiến sĩ Sử học Việt Nam Ku Su - Jeong trao tặng hiện vật cho ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng.
Dịp này Quỹ Hòa bình Hàn – Việt cũng hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng 19 tấm ảnh về phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” ở Hàn Quốc và 11 tấm ảnh của các nhiếp ảnh gia Hàn Quốc liên quan đến ký ức, thương tích do quân đội Hàn Quốc gây ra đối với dân thường trong chiến tranh Việt Nam; 6 bức tranh với nội dung tưởng niệm nạn nhân các vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra; 9 cuốn sách viết về nỗi đau chiến tranh và hàn gắn vết thương chiến tranh; 5 băng đĩa nói về ký ức chiến tranh, nạn nhân của các vụ thảm sát và những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh cùng 1 tấm thiệp chứa đựng thông điệp vì hòa bình và phản đối chiến tranh.
Tiến sĩ Ku Su - Jeong sinh năm 1966 tại Hàn Quốc. Từ năm 1993 bà theo học cao học tại Khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, trong khi tìm kiếm tài liệu để làm luận văn, bà đã phát hiện một số tài liệu về những vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại Việt Nam. Thông qua tìm hiểu, một loạt phóng sự về những vụ thảm sát của Hàn Quốc tại Việt Nam đã được bà gửi cho đăng trên tờ The Hankyoreh21. Sau những bài báo của TS Ku Su-Jeong, phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành và phát triển rộng rãi trong xã hội Hàn Quốc, thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể xã hội, đặc biệt là giới trẻ Hàn Quốc. |
Hoàng Yến