(Thethaovanhoa.vn) - Hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đang từng bước khôi phục lại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của Quốc hội chiều 13/6 đã đưa ra 2 giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.
Ngày 23.12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Quang Tùng cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL và TCDL đã tham dự Hội nghị.
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng và thiệt hại hết sức nặng nề đối với các hoạt động của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Thời gian qua, toàn ngành đã cùng với cả nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch và các giải pháp để phục hồi sau Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, về lĩnh vực văn hóa, các di tích danh lam thắng cảnh trong tháng 5 như các bảo tàng trong cả nước đã mở cửa trở lại để đón khách bình thường. Các hoạt động văn hóa cơ sở để diễn ra sôi nổi, đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, tuyên truyền cổ động trực quan, triển lãm tại các thành phố, đô thị; 100% các thư viện đã hoạt động bình thường. Các rạp chiếu phim trong cả nước đã mở cửa bình thường. Số lượng người xem trong tháng 5 đạt khoảng 25%. Các đơn vị nghệ thuật trong cả nước xây dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân. Các nhà hát đều mở cửa đỏ đèn và đón khán giả trở lại.
Đối với lĩnh vực thể dục, thể thao, các hoạt động thể dục, thể thao đã hoạt động trở lại bình thường, đặc biệt các giải bóng đá như Cúp quốc gia, giải vô địch quốc gia. Các giải bóng đá của Việt Nam có rất đông khán giả đến xem. Có thể nói Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức các trận bóng đá có khán giả đến xem và được thế giới đánh giá rất cao, khẳng định công tác chống dịch của Việt Nam rất tốt. Tổ chức rất nhiều hoạt động thể dục thể thao khác. Các vận động viên của Việt Nam cũng đã được triệu tập và tập luyện bình thường, đang chuẩn bị cho các giải đấu sắp đến, đặc biệt là bóng đá vòng loại World Cup có 3 trận Malaysia, UAE và Indonesia, AFF cúp, SEA Games 21 tại Việt Nam, v.v.. Nói tóm lại, các hoạt động văn hóa, thể thao đang trở lại bình thường một cách nhanh nhất là sau khi có Chỉ thị số 19 của Thủ tướng đầu tháng 5 toàn ngành đã triển khai ngay.
Đối với lĩnh vực du lịch, đây là một lĩnh vực thiệt hại rất nặng. Trong 5 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ, lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%, tổng thu du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ. Thực ra con số 3,7 triệu lượt này có một việc là trong tháng 1 chúng ta bình thường. Tháng 1 chúng ta đạt được 2 triệu khách, tháng 2 chỉ còn hơn 1 triệu, còn tháng 3, tháng 4 không có khách quốc tế. Trong quý I có 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh quốc tế giảm 48%, công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong tháng 3, tháng 4, các khách sạn, cơ sở lưu trú cơ bản dừng hoạt động. Các doanh nghiệp chỉ bố trí nhân sự để trực.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, sau khi có Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi động lại các hoạt động du lịch nội địa. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa tại Quảng Ninh ngày 24/5 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch, các hiệp hội, các doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác về du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi, giải trí, tạo các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá cả hợp lý.
Chính vì vậy, trong tháng 5 du lịch nội địa bắt đầu phục hồi, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 780% sau tháng 4 nhưng giảm 90% so với cùng kỳ. Dịp lễ 30/4, 1/5, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh, như Hạ Long, Sầm Sơn, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Vũng Tàu, Đà Lạt, v.v.. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, tại các điểm du lịch, công suất phòng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng ven biển đều khá cao, đạt 70%-80%. Tuy nhiên, du lịch nội địa cũng chỉ mới phục hồi bước đầu, cần có các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để phục hồi ngành du lịch cần thực hiện hai giải pháp. Một là, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, coi đây là điểm tựa, là bà đỡ, là nền tảng để phục hồi nhanh ngành du lịch của chúng ta hiện nay. Tất cả các địa phương trên cả nước đang triển khai các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch, với các giải pháp làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch và lan tỏa thông điệp Việt Nam an toàn trên thế giới để chúng ta có thể đón khách quốc tế sớm nhất có thể.
"Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cũng như thông điệp người Việt Nam đi du lịch Việt Nam thì chúng tôi khẳng định ngành du lịch Việt Nam đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân cả nước đi du lịch. Và có thể nói rằng, đất nước ta ai cũng biết có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo, văn hóa đa dạng, phong phú, ẩm thực hấp dẫn, cơ sở hạ tầng về khách sạn, khu nghỉ dưỡng không thua kém các nước phát triển, giá cả hợp lý... Việt Nam là 1 trong 6 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Chính vì vậy cho nên không có lý do gì để chúng ta không đi du lịch trong nước của chúng ta. Tôi cũng đề nghị và trân trọng kính mời đồng bào và nhân dân cả nước đi du lịch trong nước"- Người đứng đầu ngành VHTTDL chia sẻ.
Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là sẽ phải phục hồi và phát triển du lịch một cách toàn diện hơn. Tức là phải thực hiện nghiêm các giải pháp của Thủ tướng về kích cầu du lịch nội địa.
"Thủ tướng đã chỉ đạo không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ồ ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước. Cho nên chúng tôi sẽ luôn bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới để cùng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng có thể mở cửa từng bước. Theo kinh nghiệm, hiện nay để khôi phục du lịch hoàn toàn sẽ phải trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là chỉ diễn ra du lịch nội địa, hiện nay chúng ta đang nằm ở giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn thứ hai là chúng ta sẽ thí điểm đón khách quốc tế, trên cơ sở trao đổi khách song phương giữa một số quốc gia an toàn. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu để xem những quốc gia nào an toàn thì chúng ta có thể làm thí điểm, việc này cũng rất là thận trọng. Ba là trên cơ sở đó chúng ta sẽ mở rộng số quốc gia, khu vực để thực hiện trao đổi khách quốc tế. Thứ tư là các hoạt động đón khách quốc tế trong nước sẽ diễn ra bình thường"- Bộ trưởng cho hay.
Kết thúc phần chia sẻ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cuộc cạnh tranh khách du lịch quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt, bởi vì tất cả các nước đều tranh thủ thời cơ này xem thử ai có thể tận dụng thời cơ này tốt nhất.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL