Bộ trưởng Bộ Y tế: Chủng mới của SARS-CoV-2 lây nhanh và không có triệu chứng

Thứ Ba, 2/2/2021, 22:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 2/2, tại cuộc họp trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, huyện có dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đã khác so với trước đây. Chủng mới lây lan nhanh hơn 70% và có đến 70-80% bệnh nhân không có triệu chứng. Vì vậy sẽ dễ bị bỏ qua trong các công đoạn rà soát, các địa phương phải thay đổi chiến thuật và nâng cao hơn một mức, nhanh hơn một mức trong phòng, chống dịch. 

Hà Nội quyết tâm nhanh chóng khống chế, khoanh vùng dịch Covid-19

Hà Nội quyết tâm nhanh chóng khống chế, khoanh vùng dịch Covid-19

Các cơ quan, ngành y tế, các quận, huyện có nhiều cố gắng ở các khâu phòng, chống dịch, nhất là lực lượng trên tuyến đầu.

Sau khi nghe các địa phương có dịch COVID-19 báo cáo cụ thể tình hình chống dịch, những biện pháp đã triển khai tại địa phương và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Số lượng F1 vài trăm ca chúng ta có thể truy vết được nhưng nếu lên tới 1.000 ca không thể truy vết được, mà có thể bỏ qua các mấu chốt về dịch tễ".

Chúng ta tính toán tất cả các phương án đưa ra và thấy rằng nếu địa phương nào truy vết được thì truy vết, còn địa phương nào không truy vết được sẽ áp dụng ngay các biện pháp giãn cách xã hội trong một khu vực hẹp nhất định, đồng thời cần thiết phải lấy mẫu trên diện rộng, đó là sự thay đổi trong lần này. Bên cạnh đó, chúng ta phải nhanh hơn nữa, phải áp dụng ngay các biện pháp để khống chế dịch.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

“Đó chính là lý do sáng nay chúng tôi kiến nghị Đông Triều (Quảng Ninh) phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện lẫy mẫu trên diện rộng, trước hết tập trung các điểm đã phát hiện bệnh nhân. Đối với một số nơi khác cũng tương tự như vậy. Chúng ta phải tiến hành song song hai biện pháp như vậy thì mới có thể ngăn chặn được như Chí Linh đã làm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

* Gia Lai cần thực hiện xét nghiệm tại chỗ

Báo cáo của ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho thấy, chỉ riêng ngày 2/2, tỉnh đã ghi nhận thêm 7 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 13 trong 3 ngày. Toàn tỉnh đã truy vết được 303 trường hợp F1, 634 trường hợp F2. Bước đầu, tỉnh đã lấy mẫu 6.500 trường hợp, tuy nhiên công suất xét nghiệm của tỉnh đang rất thấp, chỉ 200 mẫu/ngày nên phải nhờ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ xét nghiệm thêm 500 mẫu/ngày.

Đặc biệt, do có một ca bệnh từng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai khám bệnh nên tỉnh đã quyết định phong tỏa bệnh viện từ trưa 2/2, trong ngày 3/2 sẽ lấy mẫu toàn bộ 300 nhân viên y tế, 1.200 bệnh nhân và người nhà để xét nghiệm.

Do số lượng mẫu xét nghiệm tăng lên từng ngày, Sở Y tế Gia Lai tính phương án chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn để hỗ trợ xét nghiệm.

Từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Gia Lai phải tính đến thực hiện xét nghiệm tại chỗ, Bộ Y tế sẽ điều động Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức đưa nhân lực, máy móc lên Gia Lai thiết lập một labo xét nghiệm, hỗ trợ địa phương. Lý giải về quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chủng COVID-19 mới lây qua không khí nên khả năng lây nhiễm cao hơn.

Chú thích ảnh
Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bên cạnh đó, đồng bào Tây Nguyên lại có thói quen sinh hoạt chung với nhau nên phải gấp rút triển khai nhiều giải pháp để giảm lây nhiễm. “Lần này chúng ta phải hành động nhanh, nếu phải gửi mẫu về Thành phố Hồ Chí Minh thì quá trễ. Việc đợi thêm 1-2 ngày lại có thêm ca khác khi đó sẽ phải chật vật chạy theo. Vừa rồi dịch ở Hải Dương ban đầu phải gửi mẫu về Hà Nội xét nghiệm, rất mất thời gian”.

Về quyết định đóng cửa toàn bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cần xem xét lại vì đây là nơi cứu chữa, điều trị tất cả bệnh nhân trong khu vực. Nếu đóng cửa toàn bộ sẽ là thảm họa. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề nghị chỉ cách ly những nhân viên tại khoa bệnh nhân đã đi qua, sau đó đóng cửa làm sạch bệnh viện và sớm mở cửa trở lại càng nhanh càng tốt. Nhất trí với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo không cần phong tỏa cả bệnh viện, trừ trường hợp xuất hiện lây chéo trong bệnh viện.

Bộ trưởng đề nghị Gia Lai phải chuẩn bị ngay phương án điều trị tại chỗ, thành lập một bệnh viện dã chiến, đưa tất cả bệnh nhân dương tính về đó điều trị. Bộ Y tế cũng gấp rút điều đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai “chi viện” cho Gia Lai về công tác truy vết, cách ly, điều trị.

VIDEO Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo dịch Covid-19 lây lan rất nhanh:

https://vnews.gov.vn/nvideo/dich-covid-19-lay-lan-rat-nhanh-can-co-nhung-bien-phap-manh-me-hon-202803.htm

* Các địa phương cần nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn

Với 4 ca dương tính, tỉnh Bình Dương cũng xác định là điểm nóng, tình hình phức tạp. Trong đó, bệnh nhân 1843 là sinh viên Đại học Thủ Dầu Một có về nhà và tiếp xúc với bệnh nhân 1801. Thủ Dầu Một là một trường đại học lớn, với trên 10.000 sinh viên. Các em sinh viên năm thứ nhất học tín chỉ không biết nhau nhiều. Vì thế việc truy vết rất khó. Đến chiều 2/2, trong số các F1 của bệnh nhân 1801 tiếp tục có 2 ca dương tính.

Dù đã truy vết thần tốc, cách ly rộng, nâng mức cảnh báo lên một cấp, phong tỏa, giãn cách một số nơi, tuy nhiên tỉnh dự đoán tình hình dịch tại Bình Dương rất phức tạp. Hiện tỉnh chưa được xét nghiệm khẳng định mà phải gửi mẫu lên Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Bình Dương đã chuẩn bị bệnh viện dã chiến 400-500 giường, tuy nhiên nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, có ca nặng, tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ về con người, trang thiết bị.

Chú thích ảnh
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Ngay lập tức, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá năng lực xét nghiệm của CDC Bình Dương, nếu đủ điều kiện có thể cho xét nghiệm khẳng định ngay, không cần báo cáo về Bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dù ca nhiễm còn ít nhưng bài học từ Hải Dương là cần hình thành ngay cơ sở điều trị, thành lập các bệnh viện dã chiến. “Bộ Y tế nhấn mạnh với các địa phương, nhất là các tỉnh chưa có dịch không được phép lơ là, chủ quan, vì lây nhiễm đã hoàn toàn khác. Các tỉnh không được dùng các biện pháp cũ, phải dùng biện pháp mới nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn”.

* Phong tỏa chặt hơn các khu vực có ca nhiễm

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để khoanh vùng và kiểm soát trước 30 Tết Nguyên đán, riêng tại thị xã Vân Đồn sẽ trước 28 Tết.

Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng; Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh vật tư, trang phục phòng, chống dịch và sinh phẩm xét nghiệm PCR.

Sau khi nghe ngành Y tế Quảng Ninh báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Đông Triều phong tỏa trên diện rộng, đối với những khu vực có ca nhiễm sẽ phải phong tỏa chặt hơn. Phải giải tỏa sớm các công nhân than. Quảng Ninh hiện có đến 8.000 công nhân than đang cách ly tại nhà, nên phải xét nghiệm sớm để công nhân sớm quay lại sản xuất", Bộ trưởng Y tế nói.

Chú thích ảnh

Trước đó, sáng cùng ngày, UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã quyết định phong tỏa tạm thời thêm 11 xã, phường trên địa bàn gồm: Nguyễn Huệ, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn, Bình Khê, Tràng An, Tân Việt, Việt Dân, Đức Chính, Đông Triều và Hồng Phong. Thời gian áp dụng tính từ 9h ngày 2/2/2021 đến khi có chỉ đạo mới của tỉnh.

Đến nay, Đông Triều đã thành lập 170 chốt kiểm soát người và phương tiện. Trong đó, có 8 chốt kiểm soát liên ngành của thị xã, 162 chốt thôn, khu, xã, phường với 1.566 người tham gia trực chốt nhằm kiểm soát phương tiện người ra, vào, đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội.

Trước đó, từ ngày 28/1 đến ngày 1/2, thị xã Đông Triều đã tiến hành phong tỏa ba xã Bình Dương, An Sinh và Thủy An.

Bích Thủy (TTXVN)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến