(Thethaovanhoa.vn) - Theo Bộ Tài chính, hiện máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin dùng cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý. Từ đó, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác.
Điển hình là vụ công ty Cổ phần M.T tại Tp. Hồ Chí Minh bị tố cáo lừa đảo chiếm đoat hơn 15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 người thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này.
Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.
Từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm: máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.
Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ, trong đó, có hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ về Tp. Hồ Chí Minh, còn lại là Đà Nẵng là 14 bộ.
Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt hơn 6.300 bộ, tập trung ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội là 4.300 bộ) và Tp. Hồ Chí Minh là 2.009 bộ.
TTXVN