Bộ Giao thông Vận tải nói gì về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế?

Thứ Ba, 18/8/2020, 15:37 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 18/8 về kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho hay, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ Giao giao thông Vận tải đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ 1/8/2020.

Dịch COVID-19: Các hãng hàng không Việt Nam dừng khai thác các đường bay quốc tế

Dịch COVID-19: Các hãng hàng không Việt Nam dừng khai thác các đường bay quốc tế

Cùng với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Hãng hàng không Vietjet Air cũng có thông báo từ ngày 20/3, hãng sẽ dừng khai thác các đường bay đi/đến các nước trong khu vực ASEAN, gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Indonesia.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...

"Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang đôn đốc Cục Hàng không Việt Nam trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, hiện Bộ Giao thông Vận tải không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế; đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch.

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa. Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm COVID-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước.

"Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch", ông Đinh Việt Thắng nói.

Chú thích ảnh
Máy bay của các hãng hàng không đợi để cất cánh. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Giữa tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối" nghĩa là các quốc gia cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình và thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên... Khi nhập cảnh, người dân phải cách ly 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ.

Với các đề xuất miễn giảm phí của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kéo dài hết năm 2021, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, hiện nay các hãng đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020. Đến cuối năm nay, các cơ quan sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có các phương án hỗ trợ tiếp theo cho các hãng hàng không.

Cuối tuần trước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không do ảnh hưởng COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19.

Cùng với việc mở lại đường bay quốc tế, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình phòng chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Từ đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong 3 - 4 năm. Đồng thời, kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021, giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nguyên liệu bay...

Hiệp hội cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng, để không ảnh hưởng các chuyến bay.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 7, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước đã giảm đột ngột do tâm lý e ngại dịch của người dân, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, mặc dù các hãng hàng không đã cắt giảm chi phí, bán bớt tàu bay, giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé, song vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền.

Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm nay giảm một nửa - còn 50.000 tỷ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II, Vietjet Air đạt doanh thu chỉ đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước do COVID-19, Hãng hàng không này ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỷ đồng.

Tổ chức dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.

Quang Toàn/TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến