(Thethaovanhoa.vn) - Theo Sở Du lịch Kiên Giang, năm 2017 có hơn 6 triệu lượt du khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn (tăng gần 8% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế là hơn 368.200 lượt người (tăng gần 19%). Tổng doanh thu từ du lịch là hơn 4.582 tỷ đồng, tăng gần 25%.
Các điểm, khu du lịch thu hút nhiều du khách là Phú Quốc, thị xã Hà Tiên, các quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (thị xã Hà Tiên)… thực sự là mũi nhọn của du lịch Kiên Giang,
Du lịch Kiên Giang ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt và đáp ứng nhu của du khách. Toàn tỉnh có hơn 500 cơ sở lưu trú, với khoảng 14.740 phòng, trong đó có 390 cơ sở đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao và 223 nhà nghỉ đạt chuẩn kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng nâng cao; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh; tỉnh cũng quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động lữ hành, phục vụ tốt nhiều đoàn khách quốc tế. Nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách tham dự như: Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ), thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới năm 2017, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Kiên Giang năm 2017…
Năm 2018, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong hoạt động du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các chương trình, sự kiện với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách. Tỉnh tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên du lịch chuyên nghiệp hơn; tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: Tỉnh Kiên Giang tạo bước đột phá, phát triển toàn diện du lịch về phạm vi, quy mô, chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả. Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để đạt những mục tiêu này, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch… Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phát triển đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch…
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 thu hút 650.000 - 700.000 lượt khách quốc tế và 8,4 triệu lượt khách nội địa; doanh thu du lịch đạt 808 triệu USD, tương đương 19.400 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 14.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch.
Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017, Triển lãm 'Di sản Văn hóa biển, đảo Việt Nam' với chủ đề “Ấn tượng Di sản Văn hóa - Du lịch biển đảo Việt Nam” đã chính thức khai mạc chiều ngày 9/6 tại bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Lê Huy Hải