Bi hài chuyện mừng tuổi đầu năm

Thứ Sáu, 30/1/2009, 11:12 (GMT+7)
Được mừng tuổi, cậu bé 5 tuổi hớn hở mở ra ngay, và xịu mặt khi biết ở trong chỉ là tờ 10 nghìn đồng, trong khi con chủ nhà được hẳn tờ 100 nghìn.

Cũng dở khóc dở cười, chị Linh, ở phố Bạch Mai (Hà Nội) đưa con đến chúc Tết người họ hàng. Gặp gia đình một người khách cũng đến chúc Tết. Con gái vị khách ấy lại học cùng lớp mẫu giáo với con gái chị nên hai bé thân thiết với nhau. Người khách thấy thế mừng cho bé Mai con chị một bao lì xì.

Đáp lễ, chị Linh rút hai tờ 100 nghìn mừng tuổi cho 2 con vị khách. Một lúc sau, chị thấy người khách nọ cứ nhất thiết đòi "mừng tuổi lại" cho con chị tờ 100 nghìn. Về nhà, mở phong bao của con, chị Linh mới biết, hóa ra trong đó chỉ có tờ 10 nghìn nên vị khách nọ cảm thấy "ngại".

"Tôi nghĩ mừng tuổi để cháu thêm một tuổi, thêm một niềm vui chứ không tính toán thiệt hơn. Nhưng vị khách đó cứ đòi trả lại cho con tôi làm tôi thấy khó xử. Nhận cũng không xong mà không nhận thì không được nên hai bên cứ dùng dằng mãi", chị Linh tâm sự.

Rút kinh nghiệm mọi năm, Tết năm nay, chị Trang, ở Thanh Xuân không mua bao lì xì mà cứ để cả tập 10 nghìn đồng, tùy tình hình mà mừng tuổi nhiều hay ít. Ngày mùng 2 Tết đến nhà một người bạn, chị phải "đếm mỏi tay" để mừng tuổi cho đứa con của người bạn để tương xứng với số tiền con chị nhận được.

"Chắc năm sau mình sẽ để riêng các loại mệnh giá khác nhau, đánh dấu các phong bao khác nhau đề mừng tuổi vậy", chị Trang vừa cười vừa nói.

Anh Long, ở Trương Định thì dở khóc dở cười khi đưa đứa con trai hơn 2 tuổi đi chơi Tết. Bình thường ở nhà, anh luôn cấm con cầm tiền vì sợ bẩn. Hôm đi chúc Tết, một vị khách rút tờ tiền mừng tuổi, đứa con trai của anh nhất định quay đi không lấy và luôn mồm kêu "Tiền bẩn lắm, bẩn lắm" làm cả anh và vị khách đều lúng túng.

Theo nhà văn Băng Sơn, xưa nay dân mình vẫn có tục mừng tuổi, bất cứ ai khi một năm mới đến đều thêm một tuổi để mừng nhau thêm một thời gian sống, thêm hạnh phúc trên đời. Người ta có thể mừng tuổi nhau bằng lời chúc, hoặc bằng tiền. Tiền mừng tuổi phải là tiền thật mới. Nó không có giá trị hàng hóa mà chỉ mang ý nghĩa là điều vui, hy vọng. Người Việt Nam không có tục mừng tuổi nhau bằng phong bao như bây giờ. Tục phong bao là của người Hoa kiều.

"Người Việt Nam mừng nhau trực tiếp, không phải là một mệnh giá mà là nhiều mệnh giá, từ thấp nhất đến cao nhất có thể có, đưa trực tiếp vào sáng mồng 1. Trước khi có khách xông nhà, họ họp mặt nhau lại, ông bà mừng tuổi con cháu và ngược lại. Tiền đưa cho nhau có rất nhiều mệnh giá để hy vọng sang năm những người được nhận tiền mừng tuổi ấy sẽ kiếm được tất cả các mệnh giá như thế", nhà văn Băng Sơn chia sẻ.

Ông cũng rất buồn vì tục mừng tuổi ngày nay đã bị biến tướng. "Mừng tuổi ngày nay là để trả nợ, một thứ đáp lễ nhau. Có người mừng tuổi 5-10 nghìn USD thì không có ý nghĩa mừng tuổi nữa mà là "hối lộ", ông nói.

Theo ông, ngày xưa, các cụ già phải dành dụm mấy tháng trời để có tiền mừng tuổi cho con cháu, bạn bè, mà toàn là tiền giấy mới cứng. Cái ý nghĩa của tục mừng tuổi là các cụ đã nghĩ đến con cháu, và dành dụm để đến Tết mừng cho con cháu, họ đã luôn nghĩ đến con cháu từ ngày đó. Đó mới là ý nghĩa của tục mừng tuổi.
 
Theo VNE
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến